Tháng 12/2023, những người yêu mến, gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian ca trù tại Bắc Ninh đón nhận niềm vui liên tiếp khi Câu lạc bộ Ca trù của tỉnh chính thức được thành lập. Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, trong đó có ca trù.
Bắc Ninh đã và đang nỗ lực hồi sinh, phát triển nghệ thuật ca trù
Cùng với làn điệu dân ca quan họ đã trở nên nổi tiếng, Bắc Ninh còn là mảnh đất lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đặc sắc như ca trù, tuồng, chèo. Được coi là sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc, ca trù còn có nhiều tên gọi khác như hát ả đào, hát cô đầu hay hát nhà tơ… Với nét đặc sắc, riêng có, năm 2009, ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Bắc Ninh là một trong 14 tỉnh, thành phố của cả nước có sinh hoạt hát ca trù, song số lượng cộng đồng thực hành di sản rất ít. Toàn tỉnh hiện có ba địa phương còn lưu giữ và thành lập được câu lạc bộ ca trù là phường Thanh Khương (thị xã Thuận Thành), thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh (huyện Gia Bình), thôn Thượng Thôn, xã Đông Tiến (huyện Yên Phong) với gần 100 hội viên. Để lưu giữ lời ca, nhịp phách, các câu lạc bộ thường xuyên luyện tập, tổ chức giao lưu giữa các nhóm hát. Những năm qua, tỉnh đã tổ chức các lớp học truyền dạy di sản ca trù tại cộng đồng để đưa vốn cổ văn hóa đến với đông đảo người dân.
Năm 2023, Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp mở lớp truyền dạy đàn, hát ca trù với 37 học viên để có thêm nhiều hơn những người gắn bó với lời ca, phách đàn. Tại Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020, cũng đã có hai tiểu dự án dành riêng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản ca trù với tổng kinh phí năm tỷ đồng.
Dù có rất nhiều cố gắng, song theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay, nghệ thuật ca trù vẫn đang đối mặt với những thách thức lớn về bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại, bởi đây là loại hình nghệ thuật không những khó hát mà còn rất kén người nghe, đòi hỏi trình độ cao từ người thể hiện đến người thưởng thức. Mặt khác, hoạt động bảo tồn gặp nhiều khó khăn do nhiều tư liệu đã mất, các nghi lễ liên quan dần bị mai một, tình trạng thiếu các nhạc cụ phục vụ truyền dạy, tập luyện, các thành viên tham gia chủ yếu vẫn là người lớn tuổi… Ca trù Bắc Ninh có tổng số 46 thể cách, nhưng hiện tại các câu lạc bộ chỉ hát được các thể cách đơn giản, các thể cách như hát thi, hát cửa đình, hát thờ gần như đã thất truyền.
Chính vì vậy, sự ra đời của Câu lạc bộ Ca trù tỉnh Bắc Ninh với 45 thành viên được kỳ vọng là “cú huých” trong tổ chức, xây dựng, phát triển phong trào hát ca trù trên địa bàn tỉnh. Việc tỉnh hỗ trợ các câu lạc bộ loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống 20 triệu đồng mỗi năm để mua sắm đạo cụ, tổ chức học hỏi, truyền dạy, giao lưu, trình diễn thực hành di sản… cũng là những động thái tích cực trong lưu giữ, phát triển di sản ca trù. Điều này từng bước góp phần thực hiện Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, để bảo tồn và phát huy loại hình di sản hát ca trù, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia. Việc thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các lớp truyền dạy, tập luyện cũng như thực hành biểu diễn di sản tại cộng đồng sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian một cách bền vững. Các đơn vị chức năng cần có các chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng đáng với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống độc đáo này.
Bài và ảnh: An Trân