Tây Ninh đang nổi lên như là điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch về văn hoá, tâm linh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du khách tham quan đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: SunWorld Baden Moutain
Một năm bứt phá mạnh mẽ
Tây Ninh được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ, hấp dẫn du khách gần xa, như: Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Toà thánh Tây Ninh… cùng nhiều di tích lịch sử - văn hoá quan trọng gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất miền biên viễn, được đánh giá là điểm đến an toàn, người dân thân thiện, chi phí du lịch phải chăng, có nhiều khu, điểm du lịch, nhất là du lịch tâm linh...
Năm 2023 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Tây Ninh về lượng khách trong nước, quốc tế và doanh thu lữ hành, dịch vụ du lịch. Cụ thể, Tây Ninh đón hơn 5,1 triệu lượt khách (tăng 13,2% so cùng kỳ, tăng 2% so với kế hoạch).
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2022, tăng 11% so kế hoạch. Doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác đạt 23.022 tỷ đồng, tăng 12,17% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất- đạt 12.990 tỷ đồng, tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 336,75 tỷ đồng, tăng 30,83%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 16,35 tỷ đồng, tăng 118,63% so với năm 2022.
Theo ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2023, nghề làm muối ớt và nghệ thuật chế biến món ăn chay của Tây Ninh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Tỉnh đã tổ chức Lễ hội nghệ thuật chế biến món ăn chay nhằm quảng bá các di sản văn hoá phi vật thể quốc gia kể trên, qua đó giới thiệu hình ảnh Tây Ninh đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin du lịch được triển khai qua sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”; lễ hội văn hoá Gaya tại thành phố Gimhae, Hàn Quốc; tổ chức đoàn khảo sát thị trường du lịch Campuchia và quảng bá du lịch Tây Ninh đến nước bạn…
Mark- một du khách Australia đến tham quan núi Bà Đen vào dịp tết dương lịch vừa qua cho biết, ông và vợ lần đầu tiên đến Tây Ninh nhưng rất ấn tượng về ẩm thực, con người và cảnh quan của Tây Ninh.
“Một người bạn đã giới thiệu tôi đến Tây Ninh tham quan khám phá cảnh đẹp và tìm hiểu về món ăn chay. Chúng tôi ấn tượng với món ăn được chế biến từ rau củ nhưng rất tinh tế, hương vị, màu sắc tuyệt vời. Con người Tây Ninh thì thân thiện, mến khách.
Đến đây, tôi cảm nhận được một Tây Ninh chứa đựng sự kết hợp hoàn hảo của cảnh yên bình nơi thôn quê và sự nhộn nhịp chốn đô thị. Chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại Tây Ninh với những người bạn của mình”- ông Mark nói.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Du lịch Tây Ninh trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, có sự bùng nổ, là một trong những điểm sáng của tỉnh. Để đạt được kết quả trên, tỉnh đặc biệt quan tâm, lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược thực sự có tâm huyết với du lịch và có năng lực, kinh nghiệm, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển Khu du lịch núi Bà Đen.
Bên cạnh đó, các ngành hết sức quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp an tâm và có niềm tin trong việc đầu tư vào các dự án của tỉnh, trong đó có du lịch. Tỉnh cũng quan tâm phát triển đồng bộ các yếu tố, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại hơn, đồng thời đẩy mạnh quảng bá hình ảnh quê hương và con người Tây Ninh”.
Hướng đến phát triển bền vững
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Phương hướng phát triển là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, coi trọng tính chất sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen theo Quyết định 1099/QĐ-TTg ngày 5.9.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035.
Theo đó, tỉnh quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế; các dự án thương mại - dịch vụ - du lịch sinh thái trong khu vực hồ Dầu Tiếng, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam; khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp khu vực Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; nghiên cứu định hướng phát triển các loại hình du lịch ven sông, các điểm đến du lịch văn hoá, lịch sử, tôn giáo, các khu di tích cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh...
Phát triển đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch (văn hoá, lịch sử, truyền thống, sinh thái...) gắn với thương mại và dịch vụ đô thị, vui chơi giải trí thu hút khách, kích cầu du lịch. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển cho các khu vực du lịch, nâng cao chất lượng giao thông kết nối, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng lưu trú, sân golf và các dịch vụ phụ trợ chất lượng cao phục vụ du lịch.
Để giữ vững đà tăng trưởng và từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển, theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2024, cần tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh.
Đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có và phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; thực hiện các bước tiếp theo để triển khai phát triển du lịch tại đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng. Phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, thu hút 5.500.000 lượt khách du lịch.
Ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, vừa qua, tỉnh đã ban hành kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Dự kiến tỉnh chi hơn 1,7 tỷ đồng để thực hiện các nội dung liên quan tới công tác nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch…
Năm 2024, ngành sẽ tham mưu ban hành nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2030. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành và Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tại khu du lịch này.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy liên kết các vùng trọng điểm phát triển du lịch, các tỉnh, thành trọng điểm trong khu vực.
Đặc biệt là áp dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch nhằm tăng tiện ích cho khách du lịch. Nâng cao quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước làm công tác quản lý về du lịch và liên quan đến du lịch có đầy đủ kiến thức, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn về du lịch và các ngoại ngữ cần thiết, đồng thời tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Tin rằng với những giải pháp đồng bộ, Tây Ninh sẽ trở thành một điểm du lịch không thể không đến trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Từng bước hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên; giải quyết được khoảng 21.000 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch; doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng.
Vũ Nguyệt