Làm mới di sản làng nghề để phát triển du lịch

Cập nhật:03/04/2024 09:13:32
Thời gian gần đây ai có dịp tới Vĩnh Long không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp vừa cổ kính, phủ màu thời gian của “vương quốc” gạch gốm đỏ soi mình bên dòng kênh Thầy Cai, sông Cổ Chiên. Những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km trên địa bàn các huyện Long Hồ và Mang Thít hoạt động quanh năm.
 
Nghệ nhân làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
 
Người dân nơi đây có kỹ thuật nung bằng lò gạch với nhiên liệu là trấu. Hàng nghìn mẫu mã với kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, đặc biệt sản phẩm gạch gốm với mầu đỏ đặc trưng từ đất sét tạo nét riêng không nơi nào có được. Những sản phẩm này đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Tuy nhiên, khoảng năm 2010 trở lại đây, khi đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất thân thiện với môi trường hơn thì do chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, các cơ sở lò gạch gặp nhiều khó khăn, quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước. Chỉ trong vòng 10 năm qua, hơn 1.000 lò gạch đã bị phá dỡ, số còn lại bị hư hỏng, đứng trước nguy cơ bị phá dỡ...
 
Nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống kết hợp phát triển du lịch, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm địa phương cho toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha thuộc bốn xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh của huyện Mang Thít, đưa “Vương quốc gốm đỏ” trở thành một sản phẩm du lịch là một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực.
 
Mục tiêu đề án là phát huy các lợi thế riêng của tỉnh Vĩnh Long với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: văn hóa, ẩm thực đặc trưng, giao thương sông nước trong không gian cảnh sắc sinh thái miệt vườn. Làng nghề gạch gốm còn thể hiện tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống trên vùng đất này.
 
Theo các chuyên gia, một địa phương hướng theo chiến lược khác biệt hóa sản phẩm du lịch thì luôn phải cố gắng để trở thành “độc nhất vô nhị”; phải cung cấp các thuộc tính sản phẩm khiến du khách cảm thấy chỉ ở địa chỉ đó mới có sản phẩm này. Do đó, để có thể thực hiện được chiến lược khác biệt là cả một quá trình lâu dài với sự nỗ lực lớn.
 
“Di sản đương đại Mang Thít” là một trong những làng nghề, điểm nhấn du lịch khác biệt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là quá trình định vị sản phẩm trong nhận thức của du khách, giúp sản phẩm du lịch của một tỉnh trở nên đặc biệt tăng sức cạnh tranh hơn. Chính vì những giá trị đặc thù của du lịch mà trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực bắt đầu khai thác và đưa vào tour, tuyến du lịch các làng nghề truyền thống.
 
Nhiều làng nghề đã làm sống lại giá trị của nó và tạo cho du khách ấn tượng khó quên, như ở Đồng Tháp có làng nghề dệt chiếu Định Yên, Bến Tre có làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, Tiền Giang có làng nghề đóng tủ thờ Tân Trung - Gò Công Đông, Cần Thơ có làng nghề đan lợp bắt cá Thái Long... Sức hấp dẫn của làng nghề là những cảnh quan thôn dã, bình dị gắn với con người yêu nghề, những nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo tạo nên những sản phẩm không nơi nào có được.
 
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của vùng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW (ngày 16/01/2017) của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó thể hiện rõ chủ trương phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
 
Di sản là báu vật được thiên nhiên ban tặng, hoặc là kết tinh của lao động sáng tạo mà ông cha ta đã dày công tạo dựng từ đời này qua đời khác; là nguồn tài nguyên quý báu làm nên thương hiệu, hình ảnh riêng có của mỗi địa phương, vùng miền.
 
Biết phục hồi, sử dụng và phát huy giá trị những “phế tích” vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống, đồng thời tạo sức hút và đòn bẩy phát triển kinh tế du lịch, góp phần tạo sinh kế cho người dân.
 
Bá Dũng
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử - nhandan.vn