Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển du lịch với kinh tế - xã hội, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tập trung tham mưu với Thành phố và chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu phát triển du lịch thành phố Hà Nội nhằm từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 13,92 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách du lịch quốc tế đạt 3,01 triệu lượt khách, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa đạt 10,91 triệu lượt khách, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 54.355 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023, vượt mức của năm 2019 với mức tăng thêm 10,9%. Ước thực hiện cả năm 2024 ngành Du lịch Thủ đô thu hút được trên 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023 với 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (3,8 triệu lượt khách có lưu trú), tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5 % so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 103,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023.
Ảnh minh họa/Nguồn: Báo Văn hóa
Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, ngày 31/7/2024, Sở Du lịch Thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch Phát triển ngành Du lịch Thủ đô năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, Sở Du lịch đặt mục tiêu tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và chất lượng khách du lịch đảm bảo tính bền vững. Phấn đấu năm 2025, du lịch Hà Nội có tăng trưởng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước; tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Phấn đấu năm 2025 ngành Du lịch Thủ đô thu hút được trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước thực hiện năm 2024 với trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (gồm 5 triệu lượt khách có lưu trú), tăng 27,3% so với ước thực hiện năm 2024 và 23 triệu lượt khách nội địa, tăng 7 % so với ước thực hiện năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 64%, tăng thêm 2 điểm % so với ước thực hiện năm 2024.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng theo Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn trên địa bàn Thành phố; Các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của Trung ương, của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố. Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố các giải pháp và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô tại Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, nghệ nhân, chuyên gia tham gia đào tạo nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực các cơ sở giáo dục đại học du lịch, cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch. Chủ động phối hợp, liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời ba đội ngũ: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch thực sự chuyên nghiệp về nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng. Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch trong đào tạo, giảng dạy, tiến đến áp dụng các tiêu chuẩn nghề theo chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư làm du lịch kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững; Tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp-nông thôn, cộng đồng, văn hóa…cho cộng đồng dân cư làm du lịch.
Sở Du lịch sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm gắn với du lịch đêm trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các tuyến mới hướng phía Bắc từ trung tâm Thành phố; nâng cấp các dịch vụ du lịch tại các không gian, tuyến phố đi bộ. Tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khoẻ…
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...). Tham mưu triển khai Chương trình tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên kênh truyền thông, truyền hình quốc tế. Đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống các trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn".
Tổ chức các chuỗi sự kiện, chương trình hấp dẫn, đặc sắc, quảng bá du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào năm mới 2025, Chương trình Du xuân hữu nghị 2025, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025, Festival Áo dài Hà Nội 2025. Triển khai các hoạt động, sự kiện liên kết, hợp tác với một số hãng hàng không nội địa và quốc tế; Tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trên các chuyến bay của Vietnam Airlines và các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch. Nghiên cứu định hướng xây dựng, phát triển ngành sản xuất quà tặng phục vụ du lịch. Thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, ấn phẩm quảng bá du lịch Hà Nội phục vụ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô thông qua các hoạt động như: Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội; đẩy mạnh thực hiện số hóa bằng giao diện ảnh 3600 và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố; Xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội; phần mềm quản lý để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội; Số hóa, kết nối, tích hợp dữ liệu về du lịch vào hệ thống thông tin, dữ liệu quản lý chung theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nghiên cứu nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội theo hướng có tính ứng dụng cao, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp du lịch; Khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ cao như 3D, FLYCAM, Mapping, công nghệ thực tế ảo trong phát triển sản phẩm du lịch; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính liên quan đến hoạt động du lịch./.