Vào giữa tháng 7/2024, UBND quận Lê Chân (Hải Phòng) phối hợp Viện Phát triển văn hóa dân tộc (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức diễn đàn về khai thác giá trị văn hóa lịch sử và phát triển du lịch văn hóa tâm linh liên quan đến hình tượng Nữ tướng Lê Chân. Cuối tháng 8 vừa qua, UBND quận Đồ Sơn tổ chức hội thảo khoa học tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.. Những sự kiện này cho thấy sự quan tâm của các địa phương trong bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống hiện nay.
Các đoàn rước tại Lễ hội Nữ tướng Lê Chân 2024. Ảnh: Văn Công
Hải Phòng là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, với nhiều loại hình lễ hội dân gian. Nổi bật, lễ hội tri ân các nhân vật có công với làng, với nước (Thành Hoàng làng) như: Lễ hội Nữ tướng Lê Chân ở quận Lê Chân; lễ hội Minh thề ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên và Vật cầu, Chạy đá ở xã Tân Trào (cùng huyện Kiến Thụy); Dạng lễ hội khuyến khích chăn nuôi nông nghiệp như: lễ hội rước lợn Ông Bồ ở làng Kỳ Sơn, xã Tân Trào (Kiến Thụy); lễ rước lợn Hỗng trong lễ hội ở xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo)… Dạng lễ hội tín ngưỡng, tâm linh như: lễ hội phủ Thượng Đoạn, phường Đông Hải 2 (quận Hải An); tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh; lễ hội đền Tiên Nga, phường Máy Tơ (quận Ngô Quyền) tôn thờ vị nhân thần là Vũ Quận chúa Quyến Hoa - nữ tướng quân lương của Đức vương Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng năm 938 và được coi là bà Chúa cai quản năm phương trời đất trong tín ngưỡng dân gian; lễ hội đua thuyền rồng trên biển ở Cát Bà (huyện Cát Hải) và quận Đồ Sơn...
So với lễ hội ở nhiều địa phương, lễ hội ở Hải Phòng có nhiều điểm đặc biệt, đặc sắc riêng. Đó chính là thế mạnh mà nếu khéo khai thác có thể tạo ra được những sản phẩm văn hóa đặc trưng rất đặc sắc, góp phần tăng tính độc đáo phục vụ thu hút khách du lịch. Đơn cử như lễ hội chọi trâu, trên cả nước có nhiều nơi từng tổ chức như Hàm Yên (Tuyên Quang), Yên Bình, Lục Yên (Yên Bái), Phúc Thọ (Hà Tây - nay thuộc Hà Nội), Phù Ninh (Phú Thọ)… Tuy nhiên đến nay, chỉ còn 2 lễ hội chọi trâu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là lễ hội dân gian truyền thống và cấp phép tổ chức là Lễ hội chọi trâu quận Đồ Sơn và Lễ hội chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Dù cùng mang điểm chung về lịch sử lâu năm, khá tương đồng về nghi lễ và tục hiến sinh, tuy nhiên lễ hội chọi trâu Đồ Sơn của Hải Phòng lại có sự giao thoa giữa những yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với những yếu tố văn hóa của cư dân ven biển, gắn liền với việc thờ cúng thủy thần.
Hay như Lễ hội Nữ tướng Lê Chân không chỉ diễn ra ở Hải Phòng, mà còn được tổ chức ở nhiều nơi như: Hà Nội, Hà Nam, Đông Triều (Quảng Ninh). Điểm đặc biệt ở Hải Phòng là Lễ hội Nữ tướng Lê Chân không chỉ được tổ chức ở đền Nghè, phố Lê Chân (nơi ngự của Bà), mà còn được tổ chức ở đình An Biên - nơi bà được thờ phụng với ý nghĩa là Thành Hoàng bản thổ của làng An Biên xưa. Điểm nhấn trong Lễ hội là 2 đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người theo đúng nghi lễ truyền thống với âm nhạc bát âm réo rắt, chiêng, trống rộn ràng đi cùng đội múa sanh tiền, dàn bát biểu, chấp kích, kiệu hoa, lọng che, kiệu võng và đoàn tế nữ quan… Cùng với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, Lễ hội Nữ tướng Lê Chân ở Hải Phòng còn có phần hội gồm nhiều hình thức vui chơi giải trí khác nhau.
Trên thực tế, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng như nhiều lễ hội dân gian truyền thống đã và đang góp phần phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã thành phố, thu hút và gia tăng lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và tìm hiểu văn hóa Hải Phòng. Để phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống cần sự quan tâm thích đáng của các cấp chính quyền nói chung và ngành Văn hóa nói riêng, cũng như sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư sở tại trong bảo tồn, gìn giữ di sản này. Cùng với đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống từng có ở mỗi địa phương, đi đôi với đó là “gạn đục, khơi trong”, loại bỏ những yếu tố phản cảm hoặc trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đồng thời tăng cường quảng bá, tuyên tuyền các loại hình văn hóa dân gian đặc trưng của Hải Phòng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phạm Văn Thi (Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng)