Định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang

Cập nhật:18/10/2024 09:23:08
Từ “vùng trũng” trên bản đồ du lịch Việt Nam, đến nay, du lịch tỉnh Bắc Giang đã có thương hiệu, sở hữu nhiều điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế.
 
Du khách vãn cảnh chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang)
 
Khai thác lợi thế các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, trong đó điểm nhấn là hệ thống di sản văn hóa gắn với quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, Bắc Giang đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng.
 
Từ năm 2011, Bắc Giang đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng tâm của tỉnh. Đến nay, với nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch, đề án được cụ thể hóa và nỗ lực triển khai thực hiện, Bắc Giang đã hình thành bốn sản phẩm du lịch chủ lực (du lịch văn hóa-tâm linh; du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao; du lịch cộng đồng) và bước đầu khai thác hiệu quả, trong đó du lịch văn hóa-tâm linh là trọng điểm.
 
Thương hiệu du lịch Tây Yên Tử
 
Khoảng ba năm trở lại đây, du lịch Tây Yên Tử (với điểm nhấn là Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử) trở thành niềm tự hào của Bắc Giang. Từ tiềm năng di sản vật thể, phi vật thể và danh thắng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên gắn với các vết tích chùa, tháp liên quan đến dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, Bắc Giang đã đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, như: Con đường hoằng dương Phật pháp của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Về miền đất thiêng Tây Yên Tử; Lễ hội Xuân Tây Yên Tử gắn với Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang… góp phần định hình thương hiệu du lịch cho tỉnh.
 
Sườn Tây Yên Tử bao gồm bốn huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng. Theo các nhà nghiên cứu, sườn Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp, truyền đạo của Ngài cùng các đệ tử.
 
Đến nay, dọc sườn Tây Yên Tử còn khoảng 130 di tích liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào cuối thế kỷ 13. Điển hình là di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) được khởi dựng vào thời Trần. Đây là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hiện đang lưu giữ 3.050 tấm mộc bản, được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 
Có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa-tâm linh và du lịch cộng đồng, nhưng đến năm 2014, việc khai thác không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm hơn 700 năm phía sườn Tây Yên Tử mới được đầu tư và quy hoạch bài bản, trong đó điểm nhấn là Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử, tại thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động), với quy mô 13,8 ha, gồm bốn cụm chùa độc lập: chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa được kết nối với chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).
 
Dọc theo con đường hoằng dương Phật pháp của các vị sư tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử dài gần 100 km, từ thành phố Bắc Giang, du khách sẽ đi qua các điểm di tích, thắng cảnh trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động như chùa Am Vãi (nằm trên vòng cung Yên Tử), chùa Bổ Đà, chùa Kem, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ gắn với truyền thuyết về bà chúa Thượng ngàn… Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Tây Yên Tử - dòng thiền đặc trưng riêng có của con người Việt Nam - đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
 
Dự kiến hoàn thành vào năm 2025 nhưng từ năm 2019, các hạng mục trong giai đoạn I gồm chùa Thượng, chùa Hạ, tuyến cáp treo số 1 từ ga chùa Hạ lên ga chùa Thượng, khu vực quảng trường trung tâm… đã hoàn thiện và chính thức đưa vào hoạt động, đón du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh. Bên cạnh Con đường hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là sản phẩm cốt lõi của du lịch Bắc Giang, tỉnh còn đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch Tây Yên Tử; tạo dựng, hình thành các sản phẩm văn hóa, hoạt động văn hóa đặc trưng; các sản phẩm, tour, tuyến, điểm du lịch mang sắc thái riêng của tỉnh Bắc Giang.
 
Nguồn lực vật chất và tinh thần này đã làm nên thương hiệu du lịch Tây Yên Tử, tạo sự lan tỏa đến du khách trong và ngoài nước các giá trị đặc sắc về miền đất, văn hóa, con người Bắc Giang và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam... được cải thiện. Năm 2023, Bắc Giang đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch; doanh thu từ du lịch khoảng 1.477 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Sáu tháng đầu năm 2024, Bắc Giang đã đón khoảng 1,8 triệu lượt khách du lịch.
 
Khai thác lợi thế từ mạch nguồn văn hóa
 
Xác định du lịch văn hóa-tâm linh và lịch sử-văn hóa là hai trong ba sản phẩm du lịch thế mạnh, Bắc Giang đã đề ra giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch dựa trên nền tảng, lợi thế của hệ thống di tích lịch sử-văn hóa có giá trị tiêu biểu trên địa bàn.
 
Nghị quyết số 112 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
 
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Đỗ Tuấn Khoa, Bắc Giang đã đặt tiền đề phát triển du lịch từ những năm 2010 và đến nay đã tạo được những điều kiện có tính nền tảng.
 
Qua các giai đoạn, Bắc Giang đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, nhất là khai thác, phát huy giá trị các di sản được UNESCO ghi danh, những di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt... để hình thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, có chất lượng. Đến nay thương hiệu du lịch Bắc Giang đang khởi sắc, tạo đà để phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh.
 
Bắc Giang có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để phát triển du lịch văn hóa. Với 755 di tích, danh thắng đã xếp hạng, trong đó có 5 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt (gồm: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, Địa điểm chiến thắng Xương Giang, Địa điểm khởi nghĩa Yên Thế và An toàn khu II Hiệp Hòa); 16 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 5 di sản được UNESCO ghi danh (gồm: Dân ca quan họ, Ca trù, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt và Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam), Bắc Giang là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về sở hữu số lượng di sản văn hóa. Tỉnh còn sở hữu bốn bảo vật quốc gia, gồm: Hương án đá chùa Khám Lạng (huyện Lục Nam); Bia hộp đá Đồi Cốc thời Mạc (thành phố Bắc Giang); Mộc bản chùa Bổ Đà và Cửa võng đình Thổ Hà (huyện Việt Yên).
 
Với quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, Bắc Giang đã khai thác các giá trị văn hóa, gắn kết giữa bảo tồn di sản với phát triển du lịch và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tập trung nguồn lực xây dựng một số điểm du lịch trọng điểm gắn với di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc.
 
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã định hình như: làng cổ Thổ Hà; rừng nguyên sinh Khe Rỗ; thắng cảnh suối Nước Vàng (trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử); hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn)… Bắc Giang hiện có 32 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch, 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển du lịch, văn hóa.
 
Năm 2023, Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết 41/2023 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2023-2030, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển loại hình du lịch này trên địa bàn. Về hạ tầng, với mục tiêu hướng ra biển, Bắc Giang khởi công xây dựng tuyến đường nối thị trấn Tây Yên Tử đến thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).
 
Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, kết nối hai sườn Đông-Tây dãy núi Yên Tử, phục vụ du khách hành hương về chốn tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
 
Khai thác lợi thế về di sản, trong đó ưu tiên phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được UNESCO, Chính phủ ghi danh, công nhận... là hướng đi phù hợp của Bắc Giang trong phát triển du lịch. Gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang đã hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt đối với Cụm di tích Tiên Lục (huyện Lạng Giang).
 
Tỉnh cũng tiếp tục phối hợp hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương để hoàn thiện hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn- Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
 
Hiện nay, với việc triển khai đề án phục dựng Con đường hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (giai đoạn 2023-2030) gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và di tích, danh thắng Tây Yên Tử, Bắc Giang đang có nhiều dư địa tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo nhằm góp phần sớm đạt mục tiêu đến năm 2025 đón 3 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.
 
Bài và ảnh: Ngọc Liên
Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử - nhandan.vn