Bình Ðịnh là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, từ văn hóa Sa Huỳnh, Champa đến văn hóa Việt. Di sản văn hóa vật thể trên đất Bình Ðịnh có số lượng khá lớn, nên tỉnh rất quan tâm đến việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ để làm sáng tỏ thêm trầm tích lịch sử, văn hóa của quê hương.
Công tác khai quật khảo cổ tại Bình Định được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Văn hóa phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thực hiện, với nhiều loại hình di tích khác nhau đã được khai quật trong nhiều năm qua.
Hiện vật khai quật khảo cổ đợt 2 tại phế tích tháp Đại Hữu, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát được tiến hành từ tháng 4 - 6/2024. Ảnh: Ngọc Nhuận
Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, các cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật khảo cổ. Các cuộc khai quật không chỉ làm rõ tính chất, niên đại và những giá trị lịch sử, văn hóa của từng địa điểm khảo cổ mà còn góp phần làm sáng tỏ thêm những nhận thức mới của vùng đất Bình Định trong tiến trình lịch sử.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Đối với công tác khảo cổ tại những địa điểm đã được xếp hạng di tích, như các tháp Chăm, đã cung cấp thêm tư liệu phục vụ công tác tu bổ, trùng tu, phục hồi di tích. Đối với công tác bảo tàng, các cuộc khai quật khảo cổ đã cung cấp hàng nghìn hiện vật để lưu giữ, trưng bày, góp phần quảng bá di sản văn hóa của Bình Định đến công chúng tham quan, học tập và nghiên cứu”.
Ngoài những đợt khai quật khảo cổ diễn ra trước đó, như: Khảo cổ di tích Động Cườm (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn), khai quật khảo cổ thành Hoàng Đế (thành Đồ Bàn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn); những di tích và phế tích tháp Chăm, các lò gốm cổ…, từ năm 2020 - 2024, các cuộc khảo cổ phế tích tháp Châu Thành (phường Nhơn Thành, TX An Nhơn) và phế tích tháp Đại Hữu (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát)… phát hiện thêm nhiều hiện vật quý giá.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang nhận định: “Kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ phát hiện thêm nhiều hiện vật giá trị, với nhiều phát hiện quan trọng, cho chúng ta những nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Bình Định. Theo tôi, ngành Văn hóa nên cân nhắc việc ưu tiên những địa điểm khai quật khảo cổ phù hợp, cũng như trưng bày, quảng bá hiện vật sau khai quật khảo cổ sao cho đem lại hiệu quả cao”.
Theo các chuyên gia khảo cổ học, kho tàng di sản văn hóa Champa ở Bình Định chủ yếu tồn tại dưới hai dạng di tích là các tháp Chăm và phế tích tháp Chăm (trong lòng đất). Việc bảo vệ các di tích, phế tích khảo cổ học trước và sau khai quật cũng là vấn đề cần quan tâm.
TS Lê Đình Phụng, Ủy viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, người gắn bó trực tiếp, chủ trì nhiều cuộc khai quật khảo cổ tại các di tích, phế tích ở Bình Định, cho biết: “Các cuộc khai quật khảo cổ đã bổ sung thêm rất nhiều hiện vật giá trị cho bảo tàng, đặc biệt là các hiện vật đã được công nhận bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, do chưa đủ điều kiện, nên giải pháp ưu tiên hàng đầu được tỉnh Bình Định áp dụng là lấp lại các hố khai quật để bảo tồn nguyên vẹn di tích, phế tích dưới lòng đất, tránh được tác động của môi trường và con người”.
Cùng với công tác khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh cũng phát huy chức năng bản đồ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh để cập nhật, bảo tồn các di tích có giá trị khảo cổ, phế tích sau khai quật; cung cấp cho các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế thông tin tổng quan và dự báo về khả năng nghiên cứu của từng điểm khảo cổ.
Ông Bùi Tĩnh cho biết thêm: “Do cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chúng tôi chỉ có thể lựa chọn, trưng bày, quảng bá một số hiện vật sau khai quật khảo cổ theo từng chủ đề để phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu. Phần lớn hiện vật khảo cổ được bảo quản trong kho. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương và kinh phí cho Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam khảo sát, lấy mẫu phân tích và tiến hành khảo cổ học dưới nước để làm rõ giá trị của tường thành cổ dưới biển ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) và khai quật khảo cổ phế tích tháp Phú Ân, ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) vào năm 2025, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều giá trị lịch sử, văn hóa trên quê hương Bình Định”.
Ðoàn Ngọc Nhuận