Tỉnh Đồng Nai lưu giữ nhiều di sản, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là nguồn tài nguyên quý, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Đội cồng chiêng xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) tập luyện tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro. Ảnh: L.Na
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trân trọng văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, Đồng Nai đã và đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống hiện đại.
Nỗ lực gìn giữ giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Là địa phương có Lễ hội chùa Ông nằm trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, thời gian qua, thành phố Biên Hòa đã phối hợp với Ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu (chùa Ông) xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, phát huy giá trị của di sản trong đời sống.
Dự kiến Lễ hội chùa Ông năm 2025 sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 5 đến 10/02 (nhằm ngày 9 đến 13 tháng Giêng) với đa dạng các hoạt động như: nghi lễ thỉnh hàm thư; lễ nghinh thần và dâng hương truyền thống; biểu diễn đờn ca tài tử, tuồng cổ và các trò chơi dân gian; giao lưu thư pháp Việt - Hoa; thả phúc khí cầu, thả đèn hoa đăng…
Trưởng ban Trị sự Thất Phủ cổ miếu Huỳnh Hữu Nghĩa cho biết, việc duy trì, tổ chức Lễ hội chùa Ông thường niên nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tạo ra không gian văn hóa tín ngưỡng, sự cố kết cộng đồng Hoa - Việt thông qua các nghi lễ, nghi thức truyền thống, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Qua đó, từng bước hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của địa phương, thu hút du khách, bá tánh đến tham quan, chiêm bái.
Anh K’Thanh Hiếu (dân tộc Mạ, ngụ khu phố Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) cho hay, người Mạ ở Hiệp Nghĩa có nhiều sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo như: sử thi, các điệu hát, điệu múa, đặc biệt là cồng chiêng. Hiện nay, ngoài đội cồng chiêng tại Nhà văn hóa dân tộc Mạ, tại làng Mạ Hiệp Nghĩa có nghệ nhân trẻ K’Bé đang mở lớp dạy cồng chiêng tại nhà cho thanh, thiếu nhi địa phương. Tuy nhiên, số lượng cồng chiêng không đủ (chỉ có 3/6 chiếc), việc dạy cũng chưa liên tục khiến hiệu quả truyền đạt chưa cao.
“Với những lớp truyền dạy cồng chiêng tự phát tại địa phương, tôi cho rằng, nếu được đào tạo bài bản, những người trẻ này sẽ là người kế thừa, là chủ thể tương lai của di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng nói riêng và góp phần vào cả không gian văn hóa cồng chiêng nói chung. Bởi, không ai có thể thay thế họ giữ được cái hồn, bản chất riêng của dân tộc họ” - anh K’Thanh Hiếu chia sẻ.
Trong năm 2024, ngành văn hóa đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đề nghị ghi danh Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội lớn nhất của người Chơro, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc. Trong lễ hội, đồng bào Chơro cùng nhau biểu diễn cồng chiêng, thi kéo co, nhảy bao bố, bắn nỏ, bịt mắt đập heo đất; thưởng thức ẩm thực cơm lam, rượu cần…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, chia sẻ: “Kho tàng văn hóa phi vật thể DTTS ở Đồng Nai biểu hiện cụ thể qua các thành tố như: ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, tri thức dân gian… được hình thành trong đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS. Việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản góp phần giáo dục lịch sử, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc ở Đồng Nai”.
Đề xuất nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy
Hiện Đồng Nai mới chỉ có 1 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản cấp quốc gia (Lễ hội chùa Ông) và 1 hồ sơ vừa được hội đồng cấp tỉnh thông qua trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (Lễ hội Sayangva). Bên cạnh đó, có 2 hồ sơ đang lấy ý kiến các chuyên gia để trình UBND tỉnh (Lễ hội Đình Nguyễn Hữu Cảnh và Lễ hội Làm chay miếu Tổ sư).
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Đồng Nai, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, làm rõ để cộng đồng và toàn xã hội nhận biết được giá trị, vai trò, ý nghĩa của di sản trong đời sống. Việc điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ để quản lý cần được thực hiện đầy đủ hơn, đồng bộ, có hệ thống để quản lý tốt hơn. Đặc biệt, việc bảo tồn, phát huy cần gắn với phát triển du lịch, tạo hồn cốt cho hoạt động du lịch.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho rằng, bên cạnh lưu giữ, phục hồi di sản, cần đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, giao thông, xã hội, văn hóa… để tạo điều kiện cho đồng bào DTTS lao động, sản xuất, trong đó có những chính sách đảm bảo cho đồng bào khai thác tài nguyên một cách bền vững. Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai tiếp tục chiêu sinh, mở lớp đào tạo học sinh người dân tộc; việc nghiên cứu chữ viết cho đồng bào các DTTS là cấp bách trong tình hình hội nhập hiện nay; có những hình thức, danh hiệu để tôn vinh, có quy chế rõ ràng, có chế độ cho nghệ nhân người DTTS…
Ly Na