Tối 12/4, tại Quảng trường Ngọ Môn, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức ấn tượng, hoành tráng và hấp dẫn lễ khai mạc Festival Huế 2014.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; các địa phương, các vị khách quốc tế, các nhà tài trợ, đại diện Mẹ Việt Nam anh hùng, đông đảo người dân và khách du lịch tham dự lễ khai mạc.
Đến dự lễ còn có đồng chí Xay-xổm-phon Phôn-vi-hản, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh đô Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế xưa là điểm hội tụ văn hóa của dân tộc, là nơi gặp gỡ và giao hòa giữa các nền văn hoá. Với những giá trị di sản đặc sắc còn được lưu giữ đến ngày nay, năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá thế giới.
Đúng 10 năm sau, vào năm 2003, Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Huế được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của nhân loại. Đây là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận.
Để quảng bá những di sản có giá trị toàn cầu và những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, Festival Huế được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Qua 7 kỳ tổ chức, những thành công của Festival Huế ngày càng thể hiện nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.
Festival Huế cũng là nơi gặp gỡ và cầu nối giữa các dân tộc khi hội tụ về vùng đất Cố đô để trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng, mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị cùng xây dựng và phát trển vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng trên nền tảng đa sắc màu văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, làm cho văn hóa thực sự là một trong những kênh đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ để Festival ngày càng sống động, mang lại hiệu quả thiết thực, Thừa Thiên-Huế cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt mục tiêu xây dựng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, bảo vệ những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay; xác định nhiệm vụ hàng đầu của việc tổ chức Festival Huế là quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Festival Huế 2014 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", diễn ra từ ngày 12-20/4.
Trong khuôn khổ Festival Huế 2014 còn có Diễn đàn giao lưu văn hóa Đông Á-Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng; hội nghị Bộ trưởng phụ trách Văn hóa nghệ thuật các nước ASEAN+3, Liên hoan Múa quốc tế, Liên hoan Ẩm thực quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao quốc tế; nhiều chương trình hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ, lễ hội khác cũng sẽ được tổ chức.
Festival Huế 2014 với sự tham gia của 66 đoàn nghệ thuật đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ của 5 châu lục sẽ đem đến cho khán giả hàng trăm chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và các nước.
Qua các hoạt động này, Festival Huế 2014 tiếp tục là nơi hội tụ, gặp gỡ của tinh hoa văn hóa các nước, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, thu hút du khách, phát triển kinh tế, trở thành điểm đến của du lịch, điểm hẹn của di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại của Huế, của Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác.
Festival Huế 2014 góp phần khẳng định hướng đi đúng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế với quyết tâm xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng, góp phần phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử và vị trí đặc thù của Cố đô Huế trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam, thực hiện thắng lợi Kết luận số 48 của Bộ Chính trị, đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Lễ khai mạc được tiếp nối bằng chương trình nghệ thuật với màn hát, múa "Việt Nam quê hương tôi", "Bài ca thần chim Lạc", "Vũ Phiến - Múa Cung đình Huế", dân ca quan họ Bắc Ninh với "Ngày hội giao duyên", đờn ca tài tử Nam bộ với "Khúc biến tấu vọng cổ", múa "Nam phương mẫu tế", "Tà áo tím và Huế yêu thương", "Non nước trời Nam" và kết thúc bằng màn đồng diễn "Cố đô Huế - Hội tụ và tỏa sáng".
Các đoàn nghệ thuật nước ngoài như Bati Holic (Nhật Bản), đoàn nghệ thuật Hà Nam (Trung Quốc), đoàn nghệ thuật Deepblue (Australia), Raduga Liên bang Nga, đoàn nghệ thuật Nhà hát GuGak Hàn Quốc... có các chương trình phong phú và hấp dẫn tham gia lễ khai mạc./.