Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa gửi văn bản kiến nghị Chính phủ mở rộng diện miễn thị thực đối với công dân của 9 nước là những thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển vận tải hàng không và du lịch.
Theo lý giải của Bộ GTVT và Bộ VHTTDL, chính sách thị thực thông thoáng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho khách du lịch là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vận chuyển hàng không và phát triển du lịch.
Chính vì thế, 2 Bộ đã kiến nghị Chính phủ miễn thị thực cho khách du lịch đến từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Úc, New Zealand, Ấn Độ và Canada. Trong đó, khách du lịch Tây Âu được đánh giá có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Úc và New Zealand là những thị trường tiềm năng mang lại nguồn thu cho các doanh nghiệp du lịch trong mùa thấp điểm. Canada nằm trong top 15 thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Ấn Độ với quy mô dân số lớn được xác định là một thị trường nguồn quan trọng của Du lịch Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng miễn thị thực trong thời hạn 30 ngày cho khách du lịch đến từ các nước ASEAN (trừ Brunei trong thời hạn 14 ngày) và trong thời hạn 15 ngày đối với khách du lịch đến từ 7 nước (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga).
Việc áp dụng chính sách miễn thị thực này của Việt Nam đã góp phần tích cực vào sự phát triển Du lịch Việt Nam. Lượng khách đến từ 7 thị trường nói trên chiếm tới 40% - 50% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản luôn đứng trong top 3 thị trường gửi khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam (chỉ đứng sau Trung Quốc).
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân từ 1.200 USD đến 2.500 USD, tùy từng thị trường khách và loại hình du lịch. Vì thế, sự gia tăng số lượng khách quốc tế sẽ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp lớn hơn rất nhiều so với lợi ích từ việc thu lệ phí thị thực (có giá trị 1 lần) là 45 USD/người.
Ngoài ra, tiêu dùng của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam sẽ nâng cao thu nhập cho khu vực tư nhân và các khoản thuế đóng góp cho khu vực nhà nước, cũng như góp phần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm phụ trợ như vận tải, ăn uống, hàng thủ công mỹ nghệ…, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và các lợi ích xã hội khác cho cộng đồng.
Gần đây, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cũng đưa ra nhận định: Khách du lịch coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí (bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực).
Nếu những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng không muốn thực hiện chuyến đi nữa hoặc sẽ chọn một điểm đến tương tự thay thế. UNWTO và WTTC cũng khuyến nghị các nước mở rộng các điều kiện thuận lợi về thị thực và chuyển sang hệ thống cấp thị thực tại cửa khẩu, điều này có thể mang lại thêm từ 6 đến 10 triệu khách du lịch quốc tế cho các quốc gia thành viên ASEAN đến năm 2016.
Số lượng khách gia tăng này có thể mang lại từ 7 đến 12 tỉ USD từ các khoản thu bổ sung và tạo ra từ 333.000 đến 654.000 việc làm mới đến năm 2016. Trong đó, Việt Nam có thể gia tăng lượng khách du lịch quốc tế từ 8% - 18% nếu thực hiện chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (e-visa).
Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế hiện nay và xu thế chung của thế giới, việc giảm bớt các thủ tục xin cấp, miễn và kéo dài thời hạn visa, xét cấp visa tại cửa khẩu là yếu tố rất quan trọng và trong nhiều trường hợp không nên dựa trên nguyên tắc “có đi, có lại” theo thông lệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, vấn đề cấp thị thực điện tử cũng không phải là mới với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý vào loại nhanh nhất khu vực và hạ tầng thông tin đã được cải thiện nhiều, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu quản lý xuất nhập cảnh nói chung và cấp thị thực điện tử.
Vì lợi ích chung của quốc gia Việt Nam cũng cần triển khai áp dụng việc cấp thị thực tại cửa khẩu, cấp thị thực trực tuyến, xem xét mở rộng diện miễn thị thực cho 9 thị trường khách trọng điểm như đã nói ở trên và kéo dài thời gian miễn thị thực cho 7 thị trường đã được miễn đơn phương. Ngoài ra, cũng nên tạo điều kiện để khách du lịch quốc tế đi lại, lưu trú, tham gia các hoạt động du lịch với cộng đồng dân cư địa phương tại điểm du lịch.