Sáng 12/10, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tưng bừng tổ chức Ngày hội văn hóa Hòa Bình, kỷ niệm 15 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Thành phố vì Hòa bình và 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Tham dự ngày hội có đông đảo lãnh đạo thành phố Hà Nội, các bộ ban ngành Trung ương, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội, bạn bè quốc tế và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Ngày hội bắt đầu bằng lễ dâng hương Đức Thánh tổ Lý Công Uẩn, người có công khai sáng mảnh đất Thăng Long-Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo thay mặt chính quyền và nhân dân Thủ đô ôn lại những kết quả đạt được sau 15 năm Hà Nội vinh dự được UNESCO công nhận Thành phố vì Hòa bình.
Ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Trong bất kỳ thời đại nào, hòa bình không chỉ mang lại giá trị nhân văn sâu sắc mà còn là mục tiêu và là điều kiện căn bản phát triển bền vững. 15 năm qua, Thủ đô luôn tự hào về danh hiệu Thành phố vì Hòa bình và không ngừng nỗ lực vươn lên, giành được những thành tựu to lớn và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập và đối ngoại.”
Hà Nội ngày nay là một trong những thành phố lớn trên thế giới, rộng về đất đai, đông về dân số, đa dạng về màu sắc văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc. Trong những năm qua, thành phố luôn triển khai các hoạt động văn hóa hòa bình, mang lại hiệu quả thiết thực, minh chứng Hà Nội luôn là xứ sở của hòa bình, thành phố xanh-sạch-đẹp với người dân thân thiện, hào hoa và thanh lịch.
Với nhận thức về ý nghĩa của danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, thành phố Hà Nội cam kết với cộng đồng quốc tế trong bất kỳ hoàn cảnh bào sẽ luôn phấn đấu vì hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bác ái để xứng đáng với danh hiệu mà cộng đồng quốc tế trao tặng và để danh hiệu Thành phố vì hòa bình luôn tỏa sáng.
Tại lễ khai mạc, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vinh danh 12 người nước ngoài là công dân danh dự của Hà Nội năm 2014 bởi những đóng góp của họ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…
Tiến sĩ Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, một trong 12 người được vinh danh công dân danh dự của Hà Nội phấn khởi: “Tôi rất vinh dự được chính thức công nhận là một công dân trong ngôi nhà của tôi, Hà Nội. Thay mặt cho những người được nhận danh hiệu này trong ngày hôm nay, tôi nói lên cảm xúc này, cảm xúc đã truyền cảm hứng cho chúng tôi tăng cường cam kết góp phần vào tương lai tươi sáng của Hà Nội. Nhiều người nước ngoài đã chia sẻ với tôi cảm nghĩ giống tôi: Đó là, bạn cảm nhận được tình yêu với Hà Nội, cuộc đời bạn sẽ đổi thay.”
Kết thúc lễ khai mạc là màn thả chim bồ câu và thả bóng bay thể hiện ước nguyện của nhân dân Hà Nội vì một thành phố hòa bình.
Cách đây 15 năm, ngày 16/7/1999, tại thành phố La Paz (Bolivia), Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì Hòa bình. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với Thủ đô Hà Nội về sự bình đẳng trong cộng đồng, xây dựng đô thị và giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ, về niềm tin, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Tiếp nối trong Ngày hội văn hóa Hòa bình, 1.500 người gồm lãnh đạo thành phố, các bộ ban ngành, các cơ quan ngoại giao, bạn bè quốc tế, các hội hữu nghị, các hội, đoàn thể của Hà Nội… đi bộ vì hòa bình và 300 người thuộc Cục ngoại giao đoàn đạp xe vì hòa bình xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Ngày hội văn hóa vì hòa bình diễn ra tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ đến tận 22 giờ cùng ngày với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật tại sân khấu chính, hội thi vẽ tranh “Em yêu Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình” của trên 600 em thiếu nhi, không gian trưng bày và các hoạt động văn hóa Hà Nội-Thành phố vì Hòa bình…/.