Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2014

Cập nhật:15/01/2015 08:45:33
(TITC) - Ngày 13/01/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.

Hội nghị có sự hiện diện của đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Lê Anh Thơ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL; các đồng chí đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục Du lịch.

Năm 2014, ngành Du lịch gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ khi tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng chính trị giữa một số quốc gia, xung đột sắc tộc, kinh tế thế giới hồi phục chậm và không đồng đều giữa các nền kinh tế sau suy thoái toàn cầu. Bên cạnh đó, tai nạn hàng không xảy ra liên tục cùng với sự bùng phát của dịch bệnh Ebola tạo tâm lý e ngại đối với khách du lịch. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, tăng trưởng kinh tế dần phục hồi nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan trong vùng biển của Việt Nam đã ảnh hưởng xấu tới hoạt động của ngành Du lịch, gây giảm sút về lượng khách quốc tế, chủ yếu là các thị trường nói tiếng Trung. Sự mất giá liên tục của đồng rúp Nga cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút khách Nga – một thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam.
 
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo tập trung của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã nỗ lực, thể hiện sự sáng tạo, chủ động trong quá trình triển khai nhiệm vụ, hoàn thành kế hoạch công tác đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2014, ngành Du lịch đã đón tiếp và phục vụ 7.874.312 lượt khách quốc tế (tăng 4% so với năm 2013), 38,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 10%) và tổng thu từ khách du lịch đạt 230 nghìn tỷ đồng (tăng 15%).
 
Nhìn chung, trong năm mặc dù lượng khách quốc tế sụt giảm do những diễn biến bất lợi gây ra, nhưng Bộ VHTTDL đã kịp thời chỉ đạo ngành Du lịch chủ động triển khai hàng loạt giải pháp phù hợp để thu hút khách từ các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường tiềm năng; tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa. Vì vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt được sự tăng trưởng so với năm 2013; tăng trưởng khách du lịch nội địa tiếp tục ổn định; tổng thu từ khách du lịch tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao. Nhiều sự kiện du lịch với quy mô lớn đã được tổ chức trong và ngoài nước nhằm quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch quốc gia.
 
Các địa phương trong cả nước, nhất là các trọng điểm du lịch đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực du lịch và góp phần hình thành rõ nét các vùng đồng lực phát triển của du lịch Việt Nam.
 
Nhiều khu du lịch, resort, khách sạn với quy mô lớn và chất lượng quốc tế được khởi công hoặc hoàn thành đưa vào phục vụ đã góp phần đáng kể vào tăng cường năng lực cho ngành. Nhiều doanh nghiệp đã năng động, sáng tạo, có tư duy và cách làm mới, tạo được sự bứt phá hiệu quả về mô hình tổ chức kinh doanh. Các doanh nghiệp du lịch ngày càng khẳng định vai trò quyết định trong tiến trình phát triển của ngành, đóng góp quan trọng trong việc hình thành những vùng động lực, thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn, thách thức. Lực lượng lao động trực tiếp và gián  tiếp cũng ngày càng được tăng cường cả về số lượng và trình độ.
 
Năm 2014 cũng đã chứng kiến một dấu mốc lịch sử của ngành Du lịch khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là cơ hội để tạo bước chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch, góp phần tháo gỡ khó khăn cho du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh và xu thế mới của khu vực và quốc tế.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch vẫn còn những hạn chế về sức cạnh tranh trong khu vực; hệ thống chính sách và các cơ chế đặc thù cho ngành còn thiếu; đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá chưa tương xứng; sản phẩm du lịch chưa có nhiều đột phá, còn trùng lắp giữa các vùng miền và trong cùng vùng miền; liên kết hợp tác du lịch chưa khai thác triệt để và phát huy hết tiềm năng du lịch của mỗi địa phương; tình trạng ô nhiễm môi trường du lịch vẫn còn tồn tại và tác động tiêu cực đến phát triển du lịch ở một số địa phương; bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở một số địa phương còn mỏng; nguồn nhân lực du lịch trình độ cao còn thiếu; các doanh nghiệp du lịch còn hạn chế về tiềm lực, quy mô vì vậy sức cạnh tranh còn yếu...
 
Năm 2015, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Du lịch sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL phát huy nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của Bộ đa ngành, tận dụng thời cơ và điều kiện thuận lợi để duy trì sự phục hồi và tăng trưởng khách, sớm vượt qua khó khăn, thách thức. Đồng thời tiếp tục định hướng phát triển có trọng tâm trọng điểm, có chiều sâu gắn với chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 92 của Chính phủ nhằm tạo động lực cho bước phát triển đột phá của du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, nhất là những địa bàn du lịch trọng điểm. Năm 2015, ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 41 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270 nghìn tỷ đồng.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành Du lịch đã đạt được trong năm qua, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bộ trưởng nhấn mạnh Nghị quyết 92 của Chính phủ được ban hành vừa qua là điều kiện rất thuận lợi để ngành Du lịch phát triển trong thời kỳ mới và đề nghị ngành Du lịch cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết ngay từ đầu năm 2015. Trong thời gian tới, ngành cần tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp đột phá nhằm phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong đó chú trọng tới công tác sửa đổi Luật Du lịch cùng hệ thống văn bản pháp lý liên quan tạo hành lang thuận lợi cho hoạt động du lịch, đa dạng hóa thị trường, tăng cường liên kết trong phát triển du lịch, cải thiện cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá thông qua phát huy nguồn lực các doanh nghiệp, tạo sức hút thông qua các trọng điểm du lịch, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế.
 
Nhân dịp này, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho những tập thể và cá nhân trong Tổng cục Du lịch đã đạt những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

Tin: Truyền Phương; ảnh: Thế Phi

Nguồn: TITC