Năm 2014, bối cảnh quốc tế có những diễn biến phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành sâu sát quyết liệt của Chính phủ, cả nước đã chung sức, đồng lòng vượt qua các thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với phong trào thi đua mang chủ đề "Trách nhiệm, kỷ cương, tiết kiệm, hiệu quả", đã góp phần đáng kể vào thành tựu chung đó. Kết quả nổi bật của ngành VHTTDL trong năm 2014 là đã phối hợp tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết số 33-NQ/TW có ý nghĩa thực tiễn và giá trị sâu sắc trong đời sống xã hội, với mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cùng với đó, Bộ VHTTDL còn tham mưu và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Nghị đinh số 62/2014/ND-CP ngày 25/6/2014 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Nghi định số 89/2014/ND-CP ngày 29/9/2014 quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"; Nghị định số 90/2014/ND-CP ngày 29/9/2014 về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật; Nghị quyết 92/ NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo hành lang pháp lý trong quá trình hoạt động, phát triển các lĩnh vực thuộc Bộ VHTTDL.
Hoạt động văn hóa tạo sinh khí, diện mạo mới trong đời sống xã hội
Trong năm qua, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với nhiều Ban, Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, ngăn chặn, loại bỏ văn hóa ngoại lai không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. Chỉ đạo các địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, làm sống lại các hoạt động văn hóa truyền thống như Lễ hội dân gian, các Câu lạc bộ Cồng chiêng, Ca Trù, Quan Họ, Hát Xoan, Đờn ca tài tử... góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội đương đại. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa có những chuyển biến tích cực đi sâu vào chất lượng...
Trong năm 2014, các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như năng lực tổ chức; kết hợp với quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại và kêu gọi đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ quốc gia lần thứ Nhất - Bạc Liêu 2014, Chương trình nghệ thuật “Vì Biển đảo thân yêu”; Chương trình Đại Gia đình các Dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Tuần lễ "Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng", Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ”; Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”... Có thể khẳng định, sự phát triển nhanh, mạnh về quy mô, số lượng, chất lượng trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa trong năm 2014 đã góp phần mang đến một sinh khí, diện mạo mới cho đời sống nhân dân cả nước, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.
Năm 2014, các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được vinh danh trên bình diện quốc tế với Lễ đón nhận giải thưởng về Bảo tồn di sản văn hóa năm 2013 của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho Dự án bảo tồn nhà cổ truyền thống tại Đường Lâm, Lễ đón nhận Bằng UNESCO vinh danh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng trong năm 2014, Việt Nam tiếp tục vinh dự được UNESCO ghi danh thêm 3 Di sản thế giới, gồm: Quần thể danh thắng Tràng An được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới; Châu bản Triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 21 di sản.
Ghi nhận nhiều thành tích nổi bật của Thể thao Việt Nam
Năm 2014 Thể thao Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành công. Đó là việc tổ chức thành công Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định. Tại Đại hội này, các VĐV đã phá 57 kỷ lục quốc gia và 158 kỷ lục Đại hội; tại giải Cúp Bắn súng thế giới tổ chức tại Mỹ vào tháng 3/2014, VĐV Hoàng Xuân Vinh phá sâu kỷ lục thế giới ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, qua đó đoạt vé chính thức tham dự Thế vận hội Olympic năm 2016; lực sĩ Thạch Kim Tuấn giành 1HCV và 2 HCB tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2014; Đoàn TTVN xuất sắc giành 8 HCV so với chỉ tiêu từ 2 - 3 HCV tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 4; Đoàn TTVN xếp vị trí thứ 21/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự ASIAD 17 với tổng cộng 26 huy chương các loại, trong đó có 10/15 môn giành huy chương trong hệ thống Olympic; Đoàn TTVN đạt thành tích xuất sắc với 29 huy chương tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ II, trong đó các VĐV Việt Nam đã thiết lập 1 kỷ lục thế giới và 4 kỷ lục châu Á... Phong trào TDTT quần chúng tiếp tục phát triển rộng rãi trên địa bàn cả nước, thể hiện ở sự gia tăng về số lượng người tập TDTT thường xuyên, sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện, các CLB và chất lượng của các hoạt động TDTT, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân. Một số VĐV ở các môn thể thao Olympic như: Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bơi lội, Cử tạ, Cầu lông, Vật, Judo... đã đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới như Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)... Kết quả thi đấu ở một số môn thể thao Olympic, các môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh tại các kỳ Đại hội thể thao và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Du lịch là điểm sáng trong kinh tế - xã hội đất nước
Năm 2014, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột sắc tộc và mâu thuẫn giữa các nước lớn ngày càng trở lên gay gắt, dịch bệnh Ebola gây tâm lý bất ổn cho du khách quốc tế, tai nạn hàng không trên thế giới liên tiếp xảy ra, tình hình căng thẳng trên biển Đông gây giảm sút lớn và đột ngột lượng khách quốc tế từ các thị trường nói tiếng Hoa... nhưng dưới sự chỉ đạo tập trung của Đảng, Chính phủ, ngành Du lịch đã tranh thủ cơ hội, nguồn lực để đẩy mạnh phát triển, đạt được nhiều kết quả nổi bật: lượng khách quốc tế và nội địa tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền, đạt 12%/năm: năm 2014 đạt gần 8 triệu lượt khác quốc tế, 38,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 230 ngàn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Tính cho đến tháng 12/2014, cả nước có 16.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 332.000 buồng, trong đó 72 khách sạn 5 sao với 17.659 buồng, 187 khách sạn 4 sao với 23.100 buồng, 375 khách sạn 3 sao với 26.684 buồng; 1428 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; gần 16.000 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ; du lịch đã tạo ra 1,8 triệu việc làm (trong đó 570.000 việc làm trực tiếp), chiếm 3,6% tổng số lao động toàn quốc. Sự tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh tế cơ bản trong hoạt động du lịch đã cho thấy vai trò của Tổng cục Du lịch - cơ quan tham mưu, quản lý Nhà nước của Bộ VHTTDL trong phạm vi cả nước. Với những khó khăn, thách thức xảy ra liên tiếp, Tổng cục Du lịch đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình tĩnh, tự tin triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp liên kết các địa phương, doanh nghiệp; thực hiện nhiều chương trình, huy động hiệu quả các nguồn lực, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Trên nhiều lĩnh vực, Du lịch Việt Nam đang mở rộng về quy mô, tính chất và từng bước nâng cao về chất lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ không ngừng được đầu tư, đổi mới. Sự tăng cường phối hợp, liên kết thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quảng bá, xúc tiến đã được ngành Du lịch triển khai từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Môi trường du lịch từng bước được cải thiện, an toàn, thân thiện, chất lượng và phát triển bền vững. Các địa phương trong nước, nhất là các tỉnh du lịch trọng điểm đã tập trung thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới, kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Trong năm 2014, nhiều khu du lịch, resort, khách sạn với quy mô và chất lượng mang tầm quốc tế được khởi công xây dựng, đưa vào sử dụng như chuỗi khách sạn Mường Thanh, Vinpearl Phú Quốc, Intercontinetal... không chỉ tăng cường năng lực, điều kiện cho ngành mà còn làm thay đổi căn bản hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, diện mạo ngành Du lịch ở các đô thị và trung tâm du lịch lớn, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của Du lịch Việt Nam: Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Khánh Hòa - Lâm Đồng, Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh, Long An - Tiền Giang - Cần Thơ - Kiên Giang. Du lịch Việt Nam đã được khẳng định vị thế và hình ảnh trên bản đồ du lịch thế giới qua kết quả bầu chọn, vinh danh của nhiều tổ chức uy tín chuyên về du lịch của thế giới như Forbes, Business Insider, TripAdvisor, New York Times, Rough Guides, Fodos, The Wall Street Journal... cho nhiều điểm đến của Việt Nam.
Năm 2014, trở thành cột mốc lịch sử của Du lịch Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ ban hành riêng một nghị quyết chuyên đề về du lịch, Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Việc ra đời Nghị quyết sẽ là bước phát triển đột phá cho Du lịch Việt Nam khi các chính sách được đồng bộ hóa, cùng sự "vào cuộc" thực sự của các Bộ, Ngành, địa phương trên khắp cả nước. Với sự năng động, sáng tạo cùng khí thế thi đua sôi nổi hướng tới Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (9/7/1960 - 9/7/2015), Du lịch Việt Nam sẽ xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân với những chỉ tiêu: đón 8,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 41triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 270 nghìn tỷ đồng...
Năm 2015 là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI - một năm có ý nghĩa quyết định đối với việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XI đã đề ra. Nhiều công việc đang đặt ra, đòi hỏi sự quyết tâm của ngành VHTTDL trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch và gia đình theo các mục tiêu đã được xác định tại các văn kiện của Đảng, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tập thể, lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động ngành VHTTDL tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao; đưa công tác VHTTDL có những bước phát triển mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ VHTTDL, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành VHTTDL lời chúc đầu năm tốt đẹp nhất.
Chúc mừng năm mới, thắng lợi mới!
Hoàng Tuấn Anh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ VHTTDL