Đặc sắc du xuân về miền đất thờ Tản Viên Sơn Thánh

Cập nhật:04/03/2015 08:52:26
Nằm cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 60km về phía Tây Bắc, huyện Ba Vì cuốn hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử có giá trị và nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Năm 2015, Lễ  hội Tản Viên Sơn Thánh khai hội cùng hoạt động khai trương du lịch huyện Ba Vì đang trở thành điểm nhấn thú vị cho hành trình du lịch tâm linh của người Việt.

Gần 100 di tích thờ đức thánh Tản

Sở hữu hàng trăm di tích nổi tiếng, thế nhưng nhắc đến Ba Vì du khách thường điểm tên gần 100 di tích thờ Tam Vị Đức Thánh Tản Viên Sơn với nhiều giá trị tiêu biểu về không gian, kiến trúc nghệ thuật. Về với miền du lịch tâm linh thờ Đức Thánh Tản, du khách sẽ được viếng thăm đình Tây Đằng, đình Quang Húc, đình Đông Viên, đình Thanh Lũng, đền Trung Cung, rồi tiếp bước đến cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên đỉnh núi Ba Vì thuộc địa phận 2 xã Minh Quang và Ba Vì - nơi phát tích của truyền thuyết Tản Viên Sơn cũng như tục thờ Tam Vị Tản Viên.
 
Bước tới đền Thượng, nơi còn gọi là chính cung Thần điện, du khách sẽ được ngắm mái lộ thiên lợp ngói nghiêng bên cửa hang, mái sau ngầm dưới lòng tảng đá lớn. Theo truyền thuyết và Ngọc phả có liên quan cho rằng, đền Thượng có từ thời An Dương Vương, đền thờ Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh nằm trên núi thắt cổ bồng, có hình tròn như cái tán gọi là núi Tản Viên. Để xây dựng đền Thượng, Nhà nước phong kiến đã phải huy động nguồn nhân lực rất lớn ở hai bên bờ sông Đà, theo truyền thuyết kể lại, dân chúng nối tay nhau chuyển vật liệu từ sông Đà lên đỉnh núi Tản để xây đền Thượng. Đền toạ lạc trên đỉnh núi Ba Vì ở độ cao 1.227m, thuộc địa phận xã Ba Vì, huyện Ba Vì.

Cũng nằm trong cụm di tích với thờ nơi phát tích Đức Thánh Tản, nhưng đền Trung lại khoác lên mình vẻ đẹp khác. Đền Trung có kiến trúc kiểu chữ TAM, phỏng quẻ Càn trong Kinh dịch. Đây là ngôi đền có quy mô lớn, hoành tráng tạo thành một quần thể di tích liên quan đến sự tích Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, là ngôi đền có một vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì. Đền Trung tọa lạc ở lưng chừng núi phía Tây Ba Vì (khoảng cốt 600m) thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Cuốn Ngọc Phả “Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại đền Và (Đông Cung) do Quản giám bách thân Nguyễn Hiển sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) có ghi đền Trung là nơi thờ bà Ma Thị, mẹ nuôi của Tản Viên.
 
Đền Hạ còn gọi là Tây Cung. Đền có kiến trúc kiểu chữ TAM tọa lạc dưới chân núi Tản ven bờ sông Đà thuộc địa phận xã Thủ Pháp xưa, nay là xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Theo các nhà nghiên cứu, đền Hạ xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng. Ngày 21/2/2008, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được Bộ VHTT&DL xếp  hạng theo Quyết định số 02/2008/ QĐ- BVHTTDL.

Vẻ đẹp mới của di tích

Tọa lạc trên núi cao, trải qua hàng trăm năm tồn tại, các di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2007, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Vinaconex lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh. Và đến giữa tháng 5/2010 việc lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được triển khai.

Từ đó đến nay, từ hình ảnh của những di tích xuống cấp, rất nhiều công trình đã được hoàn thiện, tạo ra vẻ đẹp huyền bí nhưng không kém phần quyến rũ cho cụm di tích đền Thượng, đền Hạ và đền Trung. Thành công lớn nhất trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đầu năm 2015 là việc hoàn thiện hạng mục bài trí đồ thờ trong di tích. Bức tượng đức thánh Tản – một trong bốn vị thần tứ bất tử của Việt Nam đã được khởi đúc, nghênh rước từ Nam Định về khu di tích đền Thượng, trước sự chứng kiến ngưỡng mộ của các vị lãnh đạo T.Ư và TP, các nhà khoa học cùng hàng ngàn người dân. Ở di tích đền Trung và đền Hạ. các hạng mục điện chính, Nhà Mẫu, nhà Tả -  hữu vu, sân hành lễ, sân rồng, Nghi môn, miếu thờ Thủy thần... cũng đã được hoàn thiện tạo thêm vẻ đẹp huyền ảo cho công trình di tích.
 
Nhìn lại khối công việc của huyện Ba Vì làm được trong những năm qua cho di tích có thể thấy nhiều điểm đáng mừng. Tuy nhiên, theo đánh giá chung dự án tu bổ, tôn tạo di tích ở nơi đây vẫn còn chậm tiến độ, do hoạt động kêu gọi xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký với UBND TP Hà Nội song lại không gửi kinh phí ủng hộ. Chính vì vậy, những công việc thực hiện các hạng mục như: Nghi môn, Cổng tứ trụ, Nhà hóa vàng, nhà quản lý tại dự án đền Hạ; Vận động các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các hạng mục còn lại của dự án đền Trung, lối lên đền Thượng... lại được đặt lên vai những người làm văn hóa, lãnh đạo huyện Ba Vì.
 
Mở hội đón khách

“Đến hẹn lại lên” vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, Nhân dân Ba Vì mở hội tưởng nhớ đức thánh Tản. Trải qua thời gian, nhiều nghi thức truyền thống của lễ hội bị thất truyền, mai một. Thế nhưng, với quyết tâm cao, đến nay, UBND huyện Ba Vì nhiều giá trị vật thể và phi vật thể vốn có của di tích được khôi phục, lễ hội được đầu tư lên cấp vùng. Chính vì vậy, 3 tháng diễn ra lễ hội, hàng chục ngàn du khách đã về hành hương cùng lễ hội, ngắm vẻ đẹp núi rừng hùng vĩ, chiêm nghiệm tấm lòng mến khách của bà con nơi đây.

Năm 2015, UBND huyện Ba Vì tổ chức khai hội Tản Viên Sơn kết hợp với khai trương du lịch huyện Ba Vì vào ngày 4/3/2015 tức ngày 14 tháng Giêng năm Ất Mùi, địa điểm tại đền Trung. Đây có thể coi là một bước đột phá lớn trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch của huyện nhà, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh. Để rồi từ đó thúc đẩy các hoạt động của các đơn vị Du lịch Ao Vua, du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà, Du lịch Đầm Long, Vườn Quốc Gia Ba Vì, Hồ Tiên Sa; Du lịch Long Việt; Nhà nghỉ công đoàn Suối Hai; du lịch Cao Sơn… thêm phần hiệu quả.
 
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, các đơn vị hoạt động du lịch đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo những điều kiện lý tưởng cho du khách khi ghé chân đến Ba Vì. Những thành tích nổi bật là: Làm đường giao thông nội bộ, cải tạo nâng cấp nhà ăn, phòng nghỉ, khách sạn, hội trường, bể bơi, bãi để xe, khu vui chơi giải trí. Các đơn vị có sự đầu tư cơ sở vật chất lớn, đó là: Du lịch Ao Vua, Đầm Long, Khoang Xanh – Suối Tiên, Thiên Sơn – Suối Ngà, Tản Đà, Hồ Tiên Sa, Vườn Quốc Gia Ba Vì, Du lịch Long Việt với tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng. Những năm qua đã đầu tư xây dựng xong tuyến đường 415 đi Đền Hạ và Đền Trung với số vốn là 64 tỷ đồng và đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư nâng cấp 2 tuyến đường: tuyến đường từ đường 87 đi khu du lịch Ao Vua với số vốn đầu tư 45 tỷ đồng, đường Vườn quốc gia đi đến khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà, du lịch Long Việt với số vốn đầu tư 38 tỷ đồng...

Về Ba Vì là để trở về không gian thuở xưa với mái nhà tranh, giường tre, phản gỗ hoặc nếu muốn phòng ở tiện nghi, sang trọng… là được khám phá một hành trình văn hóa tâm linh đặc sắc của vùng núi thắt cổ bồng. Những người đã từng đến hoặc chưa từng đến Ba Vì luôn luôn ghi dấu về một vùng đất giàu giá trị lịch sử văn hóa, với những người dân luôn thân thiện, mở rộng tấm lòng đón chào du khách.

Nguồn: ktdt.vn