Đó là mục tiêu phấn đấu của tỉnh Đắk Nông từ nay đến năm 2020 để góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển.
Theo đó, đến năm 2020, mục tiêu mà tỉnh đặt ra là đón khoảng 530.000 lượt khách, trong đó, hơn 485.000 lượt khách nội địa và gần 45.000 lượt khách quốc tế, tăng bình quân 18,8%/năm. Doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 880 tỷ đồng, đưa tổng GDP du lịch đạt 528 tỷ đồng, đạt 1,53% GDP toàn tỉnh; tạo việc làm cho 10.400 – 11.500 lao động, trong đó có 5.500 – 6.000 lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, hoàn thiện các tuyến giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và du khách tiếp cận vùng quy hoạch du lịch của tỉnh. Các nguồn vốn đầu tư được ưu tiên vào những dự án có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước mắt, tỉnh Đắk Nông ưu tiên đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm du lịch trọng điểm, các trung tâm du lịch. Các thành phần kinh tế được khuyến khích tham gia đầu tư các khu, điểm du lịch, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch để đáp ứng nhu cầu lưu trú, vui chơi giải trí ngày càng cao của du khách.
Cùng với việc đưa vào phục vụ du khách các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch khám phá, vui chơi giải trí mang tính đặc trưng của vùng, tỉnh Đắk Nông sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành các khu, điểm du lịch đã có chủ trương đầu tư
Điển hình như Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung (xã Đắk Nia, Gia Nghĩa); Khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp – Gia Long (xã Đắk Sôr, Krông Nô); Khu du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử Nâm Nung (xã Nâm N’Jang, Đắk Song); thác Đắk Glun (xã Quảng Tâm, Tuy Đức); Dự án bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử các địa điểm về phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng; Dự án tu bổ di tích lịch sử căn cứ kháng chiến B4 – liên tỉnh 4 tại Nâm Nung (Krông Nô); Dự án Tượng đài N’Trang Lơng; Trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử N’Trang Gưh; Dự án bảo tồn, tôn tạo phát huy các giá trị lịch sử cấp quốc gia địa điểm liên lạc khai thông hành lang chiến lược Bắc – Nam đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ.
Bên cạnh đó, các bon văn hóa du lịch điển hình sẽ được hình thành, phục vụ du khách thưởng thức sản phẩm văn hóa địa phương như: bon N’Jriêng (xã Đắk Nia, Gia Nghĩa); bon Bu Kon (phường Nghĩa Tân, Gia Nghĩa); bon Pi Nao (xã Nhân Đạo, Đắk R’lấp); buôn Buôr (xã Tâm Thắng, Chư Jút); bon Bu Prâng (xã Đắk N’drung, Đắk Song). Hằng năm, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch tại các khu điểm du lịch trên địa bàn.
Các hoạt động du lịch sẽ tiếp tục được triển khai theo các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa phương: TP. Hồ Chí Mình, Lâm Đồng, tỉnh Mondulkiri (Campuchia); đồng thời gắn du lịch Đắk Nông với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Hoạt động xúc tiến du lịch được gắn với việc thường xuyên xuất bản các ấn phẩm quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức: như cẩm nang du lịch, bản đồ, bưu ảnh, bản tin, sách chuyên đề giới thiệu về các điểm tham quan; tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch, kinh tế, quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa du lịch, kinh tế địa phương; tham gia các sự kiện, hội chợ, hội thảo về du lịch ở các tỉnh trong khu vực, ưu tiên tại các tỉnh đã ký kết hợp tác.
Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích phát triển du lịch, thông qua vận động của chính quyền địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các cuộc họp dân cũng sẽ được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch Đắk Nông sẽ chú trọng vào việc tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và quản lý cho các nguồn lực làm du lịch./.