(TITC) - Ngày 28/5/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị công bố, phổ biến và triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; đại biểu đại diện các Bộ, ngành TW; Lãnh đạo UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, một số địa phương lân cận và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.
Vùng Đông Nam Bộ có diện tích tự nhiên là 23.597,9 km2, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 05 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Đây là địa bàn có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là vùng phát triển kinh tế năng động, dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và giữ một vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển du lịch Việt Nam. Thời gian qua, du lịch vùng Đông Nam Bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa phát triển đồng bộ, tương xứng với tiềm năng vốn có
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/12/2014, xác định mục tiêu phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng động lực hàng đầu để phát triển du lịch Việt Nam với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Phấn đấu đến năm 2020, vùng Đông Nam Bộ đón trên 30 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 125.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 400.000 lao động, trong đó có 130.000 lao động trực tiếp. Năm 2030 đón khoảng 50 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 12 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 230.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động, trong đó trên 350.000 lao động trực tiếp.
Để đạt mục tiêu đó, Quy hoạch định hướng phát triển đồng thời thị trường khách nội địa và thị trường khách quốc tế. Đối với thị trường khách quốc tế, vùng Đông Nam bộ cần tập trung khai thác mạnh thị trường chính như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Âu; duy trì khai thác các thị trường truyền thống cao cấp như: Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc; Mở rộng thị trường mới như: Ấn Độ, Thổ Nhĩ kỳ và các nước đến từ khu vực Trung Đông. Đối với thị trường khách nội địa, Quy hoạch xác định tập trung khai thác khách du lịch nội Vùng; phát triển thị trường khách các vùng liền kề như: Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL và khách đến từ Hà Nội, trong đó chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, nghỉ cuối tuần và du lịch mua sắm…
Thực hiện: Hương Lê, Diễm Phi