“Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới” là khẩu hiệu mà Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam muốn quảng bá đến các doanh nghiệp, hãng lữ hành của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Chương trình giới thiệu du lịch 3 địa phương tổ chức ở Cần Thơ chiều 26-6.
Tham dự chương trình, ông Hoàng Ngọc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng giới thiệu tổng quan về thành phố Đà Nẵng - nơi sở hữu một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Đà Nẵng còn là “địa chỉ đỏ” về du lịch biển đảo, khu rừng giữa phố với bán đảo Sơn Trà - địa bàn cư trú của loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm có tên trong sách đỏ.
Quảng Nam và Huế lại nổi danh với Cù lao chàm (Hội An) - khu dự trữ sinh quyển đang phát triển mạnh loại hình du lịch homestay, hay vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; quần thể kiến trúc cung đình triều Nguyễn với lăng tẩm kết hợp giữa tinh hoa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian…
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam cho biết thêm, bằng biện pháp liên kết, hợp tác, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã thực hiện được mục tiêu xây dựng nên bản đồ du lịch không có ranh giới, chỉ có điểm đến. Ông bày tỏ hy vọng rằng, với đường bay trực tiếp Cần Thơ - Đà Nẵng của hãng hàng không Vietjet Air (1 chuyến/ngày, từ tháng 7-2014), các tỉnh, thành miền Trung sẽ thu hút ngày càng nhiều du khách từ các tỉnh thuộc ĐBSCL.
Dịp này, ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ cũng giới thiệu sơ lược về ĐBSCL - nơi có dòng Mêkông huyền thoại, nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn với hệ thống vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, sông rạch chằng chịt đan xen những cánh đồng bạt ngàn.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Sơn cũng bày tỏ trăn trở bởi không biết do khâu quảng bá hay các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu mà số lượng du khách Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đến với ĐBSCL còn rất hạn chế. Đại diện cho các doanh nghiệp làm du lịch tại đây, ông Sơn bày tỏ mong muốn được tiếp tục xây dựng mối quan hệ gắn kết, hợp tác phát triển du lịch lâu dài với Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.
Qua chương trình này, các doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự liên kết giữa 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với các 3 tỉnh, thành khu vực miền Trung. Từ đó trau dồi thêm kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch, xây dựng biện pháp để khai thác tốt tiềm năng, sản phẩm du lịch đang là thế mạnh của mỗi tỉnh, đảm bảo mục đích và nguyên tắc hợp tác theo nội dung đã thỏa thuận, góp phần phát triển ngành du lịch và thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch của địa phương.