Khám phá khu dự trữ sinh quyển Langbiang

Cập nhật:14/07/2015 10:57:56
Là khu dự trữ sinh quyển thứ 9 được Unesco công nhận tại Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển Lang Biang thực sự là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt với những ai yêu  thích thiên nhiên.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, có diện tích 275.439 ha, cách thành phố Đà Lạt khoảng 12 km về phía bắc, được đặt tên theo tên ngọn núi Lang Biang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang - cư dân thiểu số K’Ho bản địa sinh sống lâu đời.

Địa giới được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới bao gồm một rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Hiện nay, tại  Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có tới 1.923 loài thực vật, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như: Thông hai lá dẹt - loài thực vật được thế giới ghi nhận chỉ có ở Bidoup - Núi Bà; Pơ mu; Thông đỏ; Thông 5 lá Ðà Lạt. Riêng, họ Lan có tới 297 loài - được coi là thủ phủ hoa Lan của Việt Nam.

Về động vật tính riêng khu vực vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cũng đã có 422 loài, với nhiều loài những loài quý hiếm như: Sói lửa, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, vượn đen má vàng, chà vá chân đen…Không chỉ có vậy, vườn quốc gia còn là một trong 221 vùng chim đặc hữu của thế giới. Các nhà khoa học đã ghi nhận, khu vực này có 154 loài động thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 153 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Thế giới, đã xác định nơi đây thuộc diện ưu tiên bảo tồn số một trong dãy núi Nam Trường Sơn của Việt Nam.
 
Mặc dù có sự đa dạng sinh học lớn như vậy nhưng điều khiến khách du lịch, đặc biệt là những người yêu thích du lịch khám phá và mạo hiểm thích nhất lại là hai đỉnh núi cao tại đây. Đỉnh cao nhất là Bidoup với độ cao 2.287 mét và Núi Bà cao 2.167 mét. Nếu không phải là dân leo núi chuyên nghiệp sẽ không thể chinh phục hai đỉnh núi này. Thường thì để lên được đến đỉnh núi, phải mất 2 ngày vì vậy muốn chinh phục thiên nhiên cần có sức lực và sự chuẩn bị vô cùng chu đáo. Đường đi cheo leo, gập gềnh rất vất vả, vì thế mỗi đoàn thám hiểm, du lịch luôn luôn phải có người dẫn đường.

Vất vả, khó khăn là vậy nhưng với những ai đã chinh phục được ngọn núi này sẽ cảm thấy sức lực bỏ ra thật không lãng phí. Trên đỉnh Bidoup, mây trắng vây quanh, cả một khoảng trời trong xanh, bát ngát hiện ra trước mắt.  Tiếp túc đi khoảng 9km đường rừng nguyên sinh với toàn gai góc, đá sỏi, du khách sẽ đến được với cay  Pơmu cổ thục có chu vi lên tới 9 người ôm. Nếu như rừng Cúc Phương (Ninh Bình) tự hào với cây chò ngàn năm tuổi thì Bidoup cũng không thua kém với cây Pơmu 1.305 năm tuổi đã được các nhà khoa học đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là "di sản". Ngắm thân cây có chu vi 13,5m và chiều cao 40m, bất kỳ ai cũng đều ngỡ ngàng trước “di sản” đang hiện diện ngay giữa núi rừng quê hương.

Nếu không phải là dân leo núi, dân phượt chuyên nghiệp, du khách sẽ vẫn vô cùng yêu thích thiên nhiên tại khu dự trữ sinh quyển thế giới này. Những cánh rừng nguyên sinh xanh ngát, vút tầm mắt. Hệ động thực vật vô cùng đa dạng và cảnh sắc thiên nhiên với núi và suối xen kẽ như tranh vẽ. Bên cạnh đó, hơn 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây góp phần không nhỏ tạo ra bản sắc văn hóa riêng càng khiến khách du lịch thích thú.

Cùng với 8 khu dự trữ sinh quyển đã được Unesco công nhận trước đó gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ; Vườn quốc gia Cát Tiên; Quần đảo Cát Bà; Châu thổ sông Hồng; Biển đảo Kiên Giang; Miền Tây Nghệ An; Mũi Cà Mau; Cù Lao Chàm…Khu dữ trữ sinh quyển Lang Biang đã cho thế giới thấy được sự đa dạng về địa chất, địa mạo cũng như hệ sinh thái phong phú trên mảnh đất hình chữ S.
 

Nguồn: TTXVN