Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Bình Dương

Cập nhật:16/09/2015 10:29:51
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, địa phương này phấn đấu năm 2015 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó có 43 nghìn lượt khách quốc tế. Dự kiến, doanh thu du lịch trong năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 4.450 tỷ đồng. 

Một khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Ảnh: K.V)

Tiềm năng du lịch miệt vườn và làng nghề

Những năm qua, tỉnh Bình Dương được biết đến là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xã hội hóa các hoạt động du lịch. Đây là nguồn lực rất lớn để du lịch của địa phương này phát triển trong những năm tới.

Theo đó, nhiều công trình du lịch của Bình Dương được phát triển theo loại hình xã hội hóa, đã trở thành những điểm đến nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn trong khu vực như: Khu du lịch Đại Nam, Khu du lịch Mắt Xanh, Khu du lịch Phương Nam… Đặc biệt, tiềm năng của Bình Dương trong việc phát triển các tour du lịch tham quan, khám phá các làng nghề truyền thống đặc thù và du lịch miệt vườn là rất lớn. Với ba con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé là điều kiện hết sức thuận lợi để Bình Dương vừa xây dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dọc theo các con sông, vừa có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, khám phá vốn rất được yêu thích đối với du khách nước ngoài, du khách đến từ các đô thị lớn trong nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Bình Dương đã phát huy được thế mạnh vườn cây ăn trái của tỉnh trong phát triển du lịch. Một số dự án xây dựng mô hình vườn cây ăn trái, thương hiệu trái cây uy tín đã được tiến hành tại trên địa bàn tỉnh, thu hút lượng khách du lịch tới tham quan, mua sắm, tạo niềm hứng khởi cho các du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ các hộ nông dân khôi phục vườn cây ăn trái Lái Thiêu trên địa bàn thị xã Thuận An, tạo ra hiệu ứng tốt, giúp hàng trăm hộ nông dân tại Bình Dương khôi phục lại vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, việc xây dựng thành công thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, sắp tới là bưởi Bạch Đằng sẽ giúp nhiều hộ nông dân bắt đầu tính toán đến việc làm du lịch dựa trên lợi thế vườn cây ăn quả của gia đình.

Hiện xã Bạch Đằng đã thành lập Tổ hợp tác trồng bưởi với hàng chục thành viên. Diện tích vườn bưởi gần 10 ha. Nhiều hội viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đặc sản bưởi, nhiều hộ nông dân ở đây cũng đã bắt đầu sáng tạo thêm những món ăn như: Gỏi bưởi, rượu bưởi, kẹo bưởi... nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Tương tự như ở xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, xã An Sơn, thị xã Thuận An đang có hàng trăm ha măng cụt rất thuận lợi cho du lịch phát triển. Vùng trồng măng cụt này đã thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan. Tuy nhiên, do tính chất của thời vụ, mùa măng cụt chỉ kéo dài sáu tháng, sau mùa trái cây, vùng Lái Thiêu không còn đặc sản gì bán cho du khách nên rất khó thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Chính vì vậy, bà con nông dân xã An Sơn đang tiến hành đa dạng hóa các loại trái cây, giúp vùng đất màu mỡ này có hoa trái bốn mùa để thỏa mãn nhu cầu của du khách tham quan.

Cùng với du lịch sinh thái miệt vườn, Bình Dương là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, như: Làng gốm Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng guốc mộc chợ Thủ.…Đây được xem là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát triển du lịch làng nghề. Đặc biệt, các làng nghề này hầu hết đều nằm ven sông Sài Gòn, thuận lợi giao thông thủy kết hợp với du lịch sông nước. Những làng nghề truyền thống của Bình Dương có hàng trăm năm tuổi, nên bản thân nó đã là một sản phẩm, một câu chuyện mang đầy tính lịch sử và văn hóa.

Ông Vương Siêu Tín - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, nhu cầu khách được trải nghiệm làm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Tuy nhiên, du khách không thể đến vườn cây Lái Thiêu rồi ra về, họ cần nhiều hơn thế nữa. Do đó, bên cạnh việc tổ chức cho khách tham quan nhiều làng nghề trong suốt hành trình khám phá đất và con người Bình Dương, du khách sẽ được trải nghiệm một lúc nhiều hình thái sản xuất thủ công mỹ nghệ, được cùng nặn gốm, cùng vẽ tranh sơn mài, cùng làm guốc mộc…, tạo niềm hứng khởi, thú vị cho mỗi du khách.

Họa sĩ Thái Kim Điền - Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài tỉnh Bình Dương cho biết, vai trò của làng nghề truyền thống là rất lớn, làm sao để vừa bảo tồn vừa bảo đảm sự phát triển để các nghệ nhân làng nghề sống được với nghề là điều rất quan trọng. Do đó, chỉ có phát triển du lịch gắn liền với làng nghề, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới là bước đi bền vững.

Xây dựng du lịch thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng

Với quan điểm phát triển du lịch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch, đặc biệt chú trọng đến những lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các lợi thế so sánh khác, Bình Dương đang tận dụng lợi thế phát triển du lịch gắn với thị trường thành phố Hồ Chí Minh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các định hướng phát triển đô thị trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bình Dương cũng quyết tâm xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, coi du lịch là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của nhân dân địa phương. Cùng với đó, là việc khai thác hiệu quả lợi thế vị trí địa lý và tiềm năng du lịch của tỉnh để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang đặc trưng văn hóa địa phương. Qua phát triển du lịch, sử dụng nguồn thu từ hoạt động du lịch để góp phần bảo tồn, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, các giá trị môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thành phố Bình Dương được xếp vào nhóm có du lịch phát triển trong cả nước và khu vực.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, nhu cầu vốn đầu tư phát triển ngành du lịch tỉnh đến năm 2020 dự toán khoảng 11.700 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 5.400 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 6.300 tỷ đồng.

Theo bà Võ Thị Anh Xuân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Bình Dương, để làm tốt du lịch thì phải có sản phẩm, có sản phẩm thì mới tiến hành marketing, chào bán. Vì thế, phát triển du lịch miệt vườn của Bình Dương rất cần sự vào cuộc của nhà văn hóa, nhà nông, nhà doanh nghiệp và không thể thiếu sự điều hành của Nhà nước. Điều đáng mừng là lĩnh vực du lịch đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020. Đây chính là bước đi cần thiết trong việc phát triển du lịch thành một ngành công nghiệp không khói mang lại nhiều giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho Bình Dương.

Việc tỉnh Bình Dương đề nghị Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề” chính là sự khởi đầu cho việc định hình sản phẩm du lịch tại Bình Dương để từng bước khai khác hiệu quả tiềm năng mà tỉnh đang sở hữu. Việc Bình Dương đang cố gắng khôi phục làng nghề truyền thống cho thấy sự tích cực của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đang tập trung chú trọng vào các giải pháp về nguồn vốn đầu tư, bảo vệ tôn tạo tài nguyên môi trường du lịch, xây dựng đội ngũ nhân lực phục vụ cho du lịch, hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng các sản phẩm đặc thù và đặc biệt là công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch Bình Dương đến các thị trường trong và ngoài nước./.
 

Nguồn: ĐCSVN