Ninh Bình bảo tồn giá trị văn hóa hướng đến phát triển du lịch bền vững

Cập nhật:02/10/2015 14:00:08
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI vừa diễn ra, việc khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch dựa vào giá trị di sản văn hóa đã được đề cập ngay trong chủ đề của Đại hội.

Năm 2015, lượt khách đến tham quan các điểm du lịch của Ninh Bình cán mốc 6 triệu, gấp hai lần so với năm 2010. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt, khách lưu trú đạt 1 triệu lượt. Để đạt được con số ấn tượng này có sự “góp sức” không nhỏ của các điểm di sản văn hóa đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An.

Du lịch đã vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Từ những điểm du lịch nhỏ, lẻ, đơn điệu, ít người biết đến, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng du lịch trọng điểm của quốc gia và mang tầm vóc quốc tế. Thu nhập của người dân từ các hoạt động liên quan đến du lịch cũng được cải thiện đáng kể so với trước.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI vừa diễn ra, nhiệm vụ được đặt ra từ nay đến năm 2020 là phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch để tập trung thu hút đầu tư; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng các tuyến, khu, điểm du lịch, thực hiện các dự án mới.

Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý và phát huy hiệu quả giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử - văn hóa; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển văn hóa và tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường. Phát triển mạnh thị trường trong tỉnh, mở rộng và đa dạng hóa thị trường ngoài nước. Mở rộng hợp tác, phối hợp chặt chẽ, tạo được sự liên kết với các tỉnh, liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.

Cùng với đó là việc xây dựng và thực hiện các dự án: Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Cố đô Hoa Lư; phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn; cơ sở hạ tầng Cồn Nổi; Kênh Gà – Vân Trình; Công viên động vật hoang dã; chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên phương tiện phát thanh, truyền hình, tạp chí du lịch có uy tín trong nước và quốc tế. Xây dựng nét văn hóa thanh lịch, thân thiện, mến khách của người dân cố đô Hoa Lư.

Ngoài ra, tỉnh cũng hoàn thiện quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý việc phát triển các dịch vụ, du lịch và đổi mới cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút và ưu tiên các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, du lịch nhất là dịch vụ khách sạn, nhà hàng, khu giải trí, nghỉ dưỡng, làng ẩm thực, chợ đêm, phố đi bộ… nhằm tăng lượng khách lưu trú, mua sắm, sử dụng các dịch vụ.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư và chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan đô thị, phấn đấu để thành phố Ninh Bình trở thành thành phố du lịch; thực hiện các đề án xuất khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử; phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch…

Nguồn: Cinet