Tại Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Đại học RMIT (Australia) tổ chức ngày 5/11, chuyên gia nghiên cứu Huỳnh Trường Huy, Đại học Cần Thơ cho rằng: Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Huỳnh Trường Huy, hiện nay thuật ngữ “du lịch có trách nhiệm” được giới chuyên môn nhắc đến nhiều, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của xu hướng phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với sự cam kết về giá cả.
Ông HuỳnhTrường Huy khẳng định: Phát triển du lịch là dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, nếu tài nguyên bị khai thác một cách tự phát, tràn lan và thiếu tu sửa thì sẽ dẫn đến sự thiệt hại về môi trường lẫn kinh tế cho cộng đồng. Các bài học từ sự khai thác du lịch một cách thiếu chiến lược, đầu tư xây dựng tràn lan rồi bỏ phí, không khai thác được công năng như công trình Nhà hát 3 nón lá (Bạc Liêu), khu vui chơi công viên nước trẻ em (Cần Thơ)...vừa tốn tiền vừa đặt địa phương vào tình trạng ô nhiễm, bê tông hóa. Các công trình khi xuống cấp còn khiến môi trường xung quanh nhếch nhác, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn do công trình có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào...
Từ thực tế trên, đòi hỏi các địa phương cần có chiến lược phát triển du lịch dài hơi, khoa học. Các công trình cần được quy hoạch xây dựng có trọng tâm, trọng điểm theo thế mạnh của địa phương cũng như phân loại đối tượng phục vụ. Theo các chuyên gia, Kiên Giang nên phát triển du lịch gắn với mô hình biển, đảo; An Giang đi theo hướng du lịch tâm linh, lịch sử; Cần Thơ du lịch miệt vườn sông nước...Từ sự định hướng ấy mới tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch theo hướng phát huy nét đặc sắc trong địa hình, văn hóa từng vùng đất; tôn tạo thiên nhiên để thu hút du lịch chứ không can thiệp thô bạo vào tự nhiên.
Ngoài yếu tố bảo vệ môi trường, Phó Giáo sư Lê Việt Dũng, Đại học Cần Thơ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển du lịch. Theo kết quả khảo sát năm 2014 của dự án “Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”, có hơn 80% nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch không được đào tạo chính quy ngành du lịch; kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ và giải quyết tình huống chỉ mới được du khách đánh giá ở mức độ trung bình. Đây cũng là những rào cản khiến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long khó cất cánh vươn lên.
Phó Giáo sư Lê Việt Dũng đề nghị mô hình liên kết giữa các trường du lịch và các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch để tạo ra một quy trình khép kín, giúp trường đào tạo đúng nhu cầu xã hội, các công ty tuyển được nhân viên chuyên nghiệp, không mất thời gian đào tạo lại và sinh viên ngành du lịch được học đi đôi với hành...
Theo các chuyên gia, việc nâng cao nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên ngành du lịch là yêu cầu bắt buộc. Có nhận thức tốt về nghề nghiệp, nhân viên sẽ có trách nhiệm, thái độ phục vụ tốt hơn, bởi hình ảnh của nhân viên du lịch cũng chính là hình ảnh đại diện của địa phương, quốc gia đối với du khách.../.