(TITC) – Ngày 22/12/2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã tổ chức Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng phát biểu tại hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn; đại diện một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phía Bắc; đại diện các cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng cho biết Tổng cục Du lịch đã xác định xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam cũng như sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng là nhiệm vụ then chốt trong năm 2015 và đã giao Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc (Đông Bắc và Tây Bắc). Phó Tổng cục trưởng khuyến khích và đánh giá cao những trao đổi, góp ý của đại biểu nhằm hoàn thiện 2 đề án trên để trình Bộ VHTTDL ban hành trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tại hội thảo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã giới thiệu những nội dung chính trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, về dòng sản phẩm du lịch ưu tiên, song song với phát triển các dòng sản phẩm chính (du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái) đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 phù hợp với ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch, Việt Nam có thể quan tâm mở rộng các loại hình du lịch mới như du thuyền, caravan, du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch nghỉ dưỡng bệnh, du lịch làm đẹp; quan tâm phát triển mạnh dịch vụ ẩm thực đặc sắc gắn với các sản phẩm, loại hình du lịch.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa giới thiệu những nội dung chính trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Đáng chú ý là chiến lược đưa ra những định hướng cụ thể về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ của từng vùng: vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, chiến lược cũng đề ra lộ trình phát triển sản phẩm du lịch trong giai đoạn 2016-2030 cũng như hướng liên kết phát triển sản phẩm du lịch, cụ thể: liên kết các điểm đến trong vùng, liên kết vùng; liên kết giữa các ngành đường sắt, hàng không, tàu biển để đa dạng hóa sản phẩm…
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã đề xuất một số giải pháp về: (1) chính sách, đầu tư, trong đó chú trọng tăng cường năng lực của nguồn nhân lực du lịch và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi phục vụ du lịch; (2) cải thiện chất lượng dịch vụ và các điều kiện hình thành sản phẩm du lịch; (3) xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn chủ trì phần thảo luận
Góp ý nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu cho rằng: phát triển sản phẩm du lịch cần tiếp cận cả từ phía cung và cầu, căn cứ vào thị trường khách nội địa và khách quốc tế; bổ sung và làm nổi bật những dòng sản phẩm đặc thù và đặc sắc; làm mới và hoàn thiện những sản phẩm hiện có trên các phương diện chất lượng dịch vụ, môi trường, vệ sinh, an toàn…; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng cần quan tâm đến nét đặc sắc, tính đặc thù riêng tạo nên điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương trong vùng…
* * *
Chiều cùng ngày, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đề án nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền núi phía Bắc (Đông Bắc và Tây Bắc).
Vùng miền núi phía Bắc có những lợi thế cạnh tranh nổi bật trong phát triển sản phẩm du lịch như thiên nhiên hùng vĩ, địa hình đa dạng với hệ sinh thái núi cao gắn với dãy Hoàng Liên Sơn phía Tây Bắc, hệ thống hang động gắn với hệ sinh thái karst ở Đông Bắc và hệ sinh thái vùng trung du tạo nên nhiều cảnh quan kỳ vĩ, thuận lợi phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao khám phá, mạo hiểm…; và bản sắc văn hóa đặc sắc, con người thân thiện. So với các vùng khác trong cả nước, vùng miền núi phía Bắc là vùng còn nhiều giá trị nguyên sơ nhất cả về tự nhiên và văn hóa.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo
Dựa trên những lợi thế cạnh tranh, vùng miền núi phía Bắc có thể phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia, quốc tế bao gồm chinh phục thiên nhiên – thể thao mạo hiểm; tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái – trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ. Sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng có du lịch về nguồn và du lịch sinh thái nông nghiệp.
Các đại biểu đánh giá cao việc dự thảo đề án chỉ rõ hướng đầu tư và khu vực đầu tư cho từng loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù. Ví dụ, để phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi – thuộc dòng sản phẩm du lịch sinh thái, vùng miền núi phía Bắc cần đầu tư, cải tạo các khu nghỉ dưỡng núi và tập trung vào các khu vực Sa Pa (Lào Cai), Nguyên Bình (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến liên quan đến các vấn đề: phân kỳ đầu tư cụ thể để các địa phương tập trung nguồn lực triển khai; định hướng cho địa phương quy hoạch du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; định hướng giải pháp tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch; bảo tồn văn hóa liên quan đến nguyên bản và phiên bản; trao quyền cho cộng đồng làm du lịch và chú trọng đến năng lực của cộng đồng trong quản lý…
Phát biểu kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn khẳng định cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò định hướng phát triển sản phẩm du lịch và doanh nghiệp trực tiếp triển khai, do đó cần tăng cường liên kết giữa hai bên và quyết tâm cùng hành động phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh du lịch Việt Nam cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đảm bảo tính đặc thù và đặc sắc; đánh giá cao những ý tưởng sáng tạo phát triển sản phẩm du lịch không chỉ dựa trên tài nguyên, ví dụ có thể đẩy mạnh khai thác hiệu quả du lịch sự kiện (event tourism), cũng như ý tưởng của đại diện doanh nghiệp cho rằng cần có cơ chế về bản quyền sản phẩm du lịch đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp đã đầu tư khảo sát phát triển sản phẩm du lịch. Trong thời gian tới, du lịch Việt Nam cần tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, tăng cường liên kết vùng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
Tin, ảnh: Hồng Nhung