Với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, Thánh địa Mỹ Sơn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Angkor Wat, Pagan, Borobudur.
Khu di tích Đền tháp Mỹ Sơn (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999. Trung bình mỗi năm Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đón hơn 300.000 lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 70%.
Với những lợi thế vượt trội, xu hướng kết nối phát triển bền vững du lịch Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn với con đường Di sản miền Trung nhằm phát triển các sản phẩm du lịch mới, đa dạng các loại hình dịch vụ là hướng tiếp cận mới, đầy triển vọng của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam.
Liên kết để phát triển
Là chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhận định vùng phụ cận của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nằm trong lưu vực rộng của hệ thống các con sông lớn và huyện Duy Xuyên, mảnh đất có bề dày của địa tầng văn hóa, nơi hội tụ của các nền văn hóa, trong đó nổi bật nhất là nền văn hóa Chămpa cổ xưa gắn liền với kinh thành Trà Kiệu, Mỹ Sơn - những di tích lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật cùng với những thắng cảnh nổi tiếng.
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên du lịch này còn có giá trị hơn khi nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn trong vùng, kết nối qua đường bộ, đường sắt.
Đặc biệt Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có vị trí chiến lược trên con đường Di sản miền Trung, đây là những điều kiện thuận lợi trong liên kết vùng để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên cho biết để có cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch, trong những năm qua, huyện Duy Xuyên đã tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, cùng cơ chế chính sách thu hút đầu tư.
Dựa vào đặc điểm thế mạnh từng vùng địa lý, nguồn tài nguyên du lịch, huyện đã quy hoạch thành ba vùng trọng điểm du lịch có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Trong đó, vùng Đông với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, lịch sử Hội An, Cù Lao Chàm; vùng Tây nơi tiếp giáp Di sản Mỹ Sơn được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái Mỹ Sơn-Thạch Bàn, làm vệ tinh lan tỏa đến các vùng phụ cận vùng sâu trong đất liền là sản phẩm du lịch đặc sắc, có thế mạnh của tỉnh Quảng Nam.
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch những vùng trọng điểm, lấy Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn làm trung tâm, huyện Duy Xuyên đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư, nhờ vậy cơ sở hạ tầng tại những vùng trọng điểm đã hoàn thành và đang kêu gọi các doanh nghiệp triển khai dự án.
Tại vùng Đông, nơi có thế mạnh về du lịch biển đảo, việc đưa cầu Cửa Đại vào sử dụng mở ra nhiều cơ hội cho du lịch vùng này phát triển, kéo dài vệt du lịch ven biển từ Non Nước-Hội An-Duy Xuyên.
Tại vùng Tây, cầu Giao Thủy đang xây dựng, kết nối hạ tầng giao thông với các huyện, thành phố lân cận và tuyến đường lên huyện miền núi Nông Sơn được triển khai là cơ hội để du lịch vùng này ngày càng đa dạng, khai thác có hiệu quả bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số dưới chân dãy Trường Sơn.
Ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, Ban Quan lý sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng trong khu di sản; tiếp tục ưu tiên các chương trình phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tổ chức thực hiện kết nối, hợp tác với các công ty, hãng lữ hành; đồng thời tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý và doanh nghiệp du lịch nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ thông tin, tri thức đến các doanh nghiệp để liên kết phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như các sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Chămpa; xây dựng Mỹ Sơn thành điểm du lịch có chất lượng theo hướng hiện đại và thân thiện với môi trường...
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa
Ông Phan Hộ, Trưởng Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, khẳng định múa Chăm là một giá trị văn hóa độc đáo, thể hiện sự giao hòa giữa âm dương, trời đất, giữa con người và cõi tâm linh huyền bí. Múa Chăm đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong những hoạt động đón khách của khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Ngoài các trích đoạn ca, múa, nhạc dân gian, đội văn nghệ dân gian Chăm ở Mỹ Sơn còn giới thiệu tới du khách các nhạc cụ, làn điệu dân ca, điệu múa cùng những lễ hội truyền thống độc đáo của dân tộc Chăm được lưu giữ qua hàng nghìn năm lịch sử.
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập xã hội và môi trường thân thiện là ưu tiên hàng đầu của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn trong hoạt động du lịch.
Do vậy, ngoài những ưu tiên về đầu tư, những ưu tiên trong liên kết hợp tác với các doanh nghiệp là giải pháp được lựa chọn, trong đó ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh hình thức đầu tư công tư. Trong đó, nhà nước thực hiện chức năng về quản lý, các doanh nghiệp sẽ đầu tư và tổ chức các hoạt động kinh doanh.
Mặt khác, ngành văn hóa tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới có chất lượng cao nhằm không ngừng nâng tầm các giá trị của Mỹ Sơn trên con đường Di sản miền Trung với bên ngoài. Đây chính là hướng tiếp cận mới sẽ được Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn triển khai quyết liệt trong năm 2016 này./.