Nói đến hoa ban là nói đến núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là Điện Biên. Cũng vì lẽ đó mà cứ độ tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở là dòng người du lịch lại hối hả tìm về Điện Biên.
Theo lẽ thường thì hoa ban thường nở vào xuân khi tiết trời ấm lên, khoảng tháng 2 âm lịch nhưng cũng có những năm thời tiết lạnh, hoa sẽ nở muộn hơn. Những cơn mưa xuân lất phất đánh thức cả rừng hoa sau một giấc ngủ đông. Trên những cành khô khẳng khiu bỗng tươi mới màu trắng phơn phớt hồng tím của hoa ban.
Cây ban thân mộc, không mọc thẳng mà uốn khúc, chia cành phân nhánh. Khi mùa đông tới, cây ban tự mình trút lá, dồn nhựa vào thân, đợi sang xuân ấm áp đâm chồi nảy lộc. Lá ban mọc cách, không xếp thành tán và không rậm rạp như các loài cây khác. Dù mọc trên đồi cỏ khô hay bám vào vách đá cheo leo, ban vẫn mang trong mình một sự sống bất diệt. Lá ban hình móng bò, người Thái bảo hình “đôi trái tim ghép lại”. Nhụy ban rất ngọt, các loài ong đặc biệt ưa thích. Cánh hoa ban vừa ngọt, vừa bùi, vì thế mà người Thái ở Điện Biên thường lấy về đồ chín trộn với giấm, vừng thành một món nộm, ăn rất lạ. Quả ban giống như quả bồ kết, hạt già đồ chín ăn ngon như hạt đậu.
Người Thái rất yêu hoa ban, nên ngày Tết trên bàn thờ luôn có cành hoa ban dâng cúng tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Với tuổi trẻ, hoa ban là ước mơ trẻ mãi không già, nhiều nghị lực và tình yêu bền vững.
Lên Điện Biên mùa ban nở, khách du lịch thường được nghe người dân kể về truyền thuyết của loài hoa này: Thuở ấy, ở vùng Tây Bắc chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên Ban. Khum có tài săn bắn, luôn chăm lo nương rẫy. Nàng Ban thì xinh đẹp, khéo tay. Không biết bao nhiêu chàng trai đem lòng yêu làng, nhưng trái tim nàng đã trao cho chàng Khum. Cha nàng Ban chê thân phận nghèo của chàng Khum nên ép gả con cho con trai nhà Tạo Nường. Cầu xin cha không được, bước đường cùng, nàng chạy đi gặp chàng Khum cầu cứu. Không gặp được chàng, nàng buộc khăn piêu nơi cầu thang nhà chàng rồi đi tìm chàng. Cuối cùng kiệt sức nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng ngã xuống sau đó mọc lên một cây hoa màu trắng. Và rồi loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng trời, tỏa hương ngan ngát khắp núi rừng. Từ đó người ta đặt tên loài hoa ấy là hoa ban. Lại cũng có truyền thuyết khác kể rằng: Để tỏ lòng thương tiếc Chương Han - người anh hùng dân tộc dám chống lại các thế lực đàn áp, độc ác - nhân dân buộc những mảnh khăn tăng lên các cành cây. Về sau, thời gian như có phép nhiệm màu đã hoá những mảnh khăn tang thành những đoá hoa Ban trắng trong, tinh khiết.
Hoa ban có hai loài là ban trắng và ban đỏ nhưng trên Tây Bắc, hoa ban trắng chiếm đa số. Chính điều này đã mang đến một hình ảnh tuyệt đẹp cho Điện Biên vào mùa hoa ban.
Khắp rừng núi Điện Biên khi tiết trời sang xuân ấm áp, đâu đâu cũng chỉ thấy hoa ban. Ban nở trắng trời, trắng đất. Ban không nằm trong sân nhà, không che ngang mái hiên, không gần gũi, dung dị như đào, như mận mà thênh thang, bát ngát giữa đất trời. Từng chùm ban trắng bao phủ cả thung lũng xa xăm. Những cánh ban tung xòe, điểm những chấm trắng muốt lên nền trời xanh thẳm.
Nếu như Hà Giang có tam giác mạch, Mộc Châu có hoa mận thì hoa ban là thương hiệu của vùng Tây Bắc nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng. Vài năm gần đây, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ hội hoa ban như một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh.
Có thể nói đến với Điện Biên mùa ban nở là đến với thiên nhiên, tìm về sự mộc mạc, bình dị trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại.