Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và xã hội, Tây Bắc đang nổi lên như một điểm đến giàu tiềm năng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thời gian qua, du lịch Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp và khẳng định thương hiệu riêng, vẫn cần đến những giải pháp thực tiễn mang tính bài bản và đồng bộ.
Cánh đồng lúa Cao Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái) là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan.Ảnh: THANH CHƯƠNG
Chiếm một phần ba diện tích cả nước với số dân gần 11 triệu người, Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với không gian văn hóa rộng lớn, phong phú. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng như cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Mù Căng Chải, Hoàng Su Phì, đỉnh Phan-xi-păng, đèo Mã Pí Lèng…; và nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Hùng, Đền Thượng, Khu di tích Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa… Bên cạnh đó, một nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắc các dân tộc được thể hiện qua những phong tục tập quán: lễ hội Lồng Tồng, Chợ Tình Khau Vai, Xên Bản, Xên Mường…; qua các điệu dân ca, dân vũ như múa sạp, múa xòe, hát then…; qua kiến trúc nhà ở, trang phục, nhạc cụ… Tây Bắc còn là nơi sở hữu hai di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Có thể nói, mảnh đất trù phú này vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ngờ, thú vị. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành và địa phương, du lịch Tây Bắc đã có sự tăng trưởng đáng mừng về lượng khách quốc tế và nội địa với mức tăng trung bình hơn 10%/năm. Năm 2013, số lượt khách quốc tế đến Tây Bắc đạt 1,2 triệu lượt (chiếm 16% trong 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng gần ba lần so với năm 2005); lượng khách nội địa đạt hơn 6,5 triệu lượt trong tổng số 35 triệu lượt khách du lịch nội địa cả nước. Năm 2014, Tây Bắc đón 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1,5 triệu lượt. Năm 2015 số khách du lịch đạt 8,9 triệu lượt, khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt.
Tuy nhiên, so với lợi thế vốn có về tài nguyên du lịch vùng, sự phát triển này còn chưa tương xứng tiềm năng. Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết: Tuy số lượng khách hằng năm đến Tây Bắc tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng miền khác; thời gian lưu lại trung bình chỉ dưới 1,5 ngày; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể. Do đó, hiệu quả kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn còn ít và năng lực hạn chế nên thường bị động hoặc phụ thuộc. Nhiều tỉnh chưa có đơn vị lữ hành quốc tế, việc khai thác khách vẫn trông chờ vào các hãng lữ hành ngoài tỉnh và các trung tâm gửi khách đến vùng. Các tỉnh chưa có sản phẩm độc đáo phục vụ từng loại khách. Công tác thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch vùng còn ít, tính liên kết lỏng lẻo, nhất là việc quảng bá trên thị trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Chính sách phát triển du lịch vùng Tây Bắc chưa thật sự mạnh, chưa có các cơ chế đặc thù cho vùng. Nhằm gỡ khó cho du lịch Tây Bắc, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh: “Tây Bắc chưa có khả năng trở thành một điểm đến độc lập khiến du khách châu Âu lưu lại dài ngày. Vì vậy, các chương trình tua tại đây cần có sự liên kết nhằm đa dạng hóa sản phẩm”.
Những năm qua, dù sản phẩm du lịch các địa phương đã hoàn thiện hơn nhưng giao thông trong vùng còn chưa đồng bộ. Mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay đã trải nhựa, thông suốt nhưng chất lượng không đều. Các địa phương cũng không quan tâm đến đường thủy trên sông Gâm, sông Năng, sông Đà dài hàng trăm km. Đây là rào cản lớn đối với sự phát triển của du lịch địa phương, đồng thời làm ảnh hưởng đến sự hợp tác chung của cả khu vực, điều này cần sớm khắc phục. Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel cho biết, khách đi tua Tây Bắc thông qua Vietravel có sự tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Mùa thấp điểm mỗi tuần có hai, ba đoàn; mùa cao điểm dễ xảy ra hiện tượng cháy phòng. Do đó, doanh nghiệp mong muốn có mức giá ổn định hơn. Địa phương cũng cần tăng cường đầu tư về phòng khách sạn ở mức hai, ba sao là phù hợp nhất. Về truyền thông, Tây Bắc nên có những phim chuyên đề về thiên nhiên, ẩm thực, con người để doanh nghiệp mang đi chiếu tại các hội chợ quốc tế; phối hợp các đại sứ quán nhằm giới thiệu văn hóa vùng Tây Bắc tới các thị trường ngoài nước.
Vấn đề đồng bộ hạ tầng, liên kết phát triển là những nội dung sẽ sớm được thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và doanh nghiệp; nhưng làm thế nào để phát triển du lịch mà vẫn giữ được văn hóa bản địa, môi trường tự nhiên trong cuộc sống của người dân mới là thách thức. Đây cũng là băn khoăn của Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, bởi theo ông, văn hóa bản địa vùng là cơ sở để địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó xây dựng tuyến liên kết, tạo động lực phát triển du lịch vùng. Tây Bắc cần chú trọng phát triển loại hình du lịch homestay để không phá vỡ không gian của người dân, thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu về du lịch Tây Bắc và bộ sản phẩm; từ đó thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng Tây Bắc được phát triển, đồng bộ là điều đáng quan tâm.