Từng bước xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang

Cập nhật:05/08/2016 09:51:38
Tại cuộc họp với Ban tổ chức Các ngày lễ lớn của tỉnh Hà Giang vào ngày 22/7/2016, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo: Các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt để xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang, để từng bước đưa Hà Giang trở thành vùng du lịch trọng điểm của Quốc gia và trong những chuyến công tác đến các huyện trong vùng Cao nguyên Đá đích thân Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn địa điểm để các địa phương trồng cây hoa Tam giác mạch phục vụ cho lễ hội và du khách tham quan.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh cũng như nằm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang từ nay đến cuối năm 2016, tỉnh sẽ tổ chức ba sự kiện lớn cấp tỉnh nhằm thu hút du khách trong và nước đến với Hà Giang, đó là: “Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh và 25 năm Ngày tái lập tỉnh”; “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ hai”; “Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ hai năm 2016” và “Lễ hội Đường phố” do thành phố Hà Giang tổ chức.

Lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh và 25 năm Ngày tái lập tỉnh Hà Giang, dự kiến sẽ tổ chức vào 19/8/2016 tại Quảng trường 26-3 thành phố Hà Giang. Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm sẽ diễn ra các hoạt động như: Dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh; Viếng các Anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên; Triển lãm ảnh với chủ đề “Hà Giang - 125 năm xây dựng phát triển” kết hợp với giao lưu văn hóa, thể thao với tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, tối 19/8, Lễ kỷ niệm 125 Ngày thành lập tỉnh, 25 năm ngày tái lập tỉnh sẽ được truyền hình trực tiếp...

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 11 do tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Cùng với những tiết mục văn hóa, nghệ thuật, những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trên cả nước được trình diễn, biểu diễn tại lễ hội, tỉnh cũng sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tư vấn của các nghệ nhân để phục dựng, tìm lại những giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tại Hà Giang, như Lễ ăn hỏi, tục “vỗ mông” ...

Trong chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch diễn ra từ nay đến cuối năm, Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ hai – năm 2016 được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn – tạo nền tảng trong quá trình xây dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang. Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ 2 – năm 2016, dự kiến tổ chức vào ngày 20/10 tại huyện Đồng Văn. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động tạo điểm nhấn về hoa Tam giác mạch gắn với trình diễn nghệ thuật dân tộc; đồng thời trải nghiệm các sản phẩm văn hóa với chủ đề “Hồn của đá” kết hợp với trưng bày sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, du lịch của các huyện trong tỉnh. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này sẽ là Lễ hội Đường phố kết hợp với trình diễn âm nhạc dân gian và trang phục dân tộc nhằm thu hút du khách đến với Hà Giang ngày một đông hơn. Đặc biệt, trong đêm lễ hội dự kiến sẽ có sự tham ra tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật đến từ Nhật Bản...

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, quảng bá về lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước tại các địa phương trong tỉnh và tại Thủ đô Hà Nội và trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương. Dự kiến, tại Hà Nội tỉnh sẽ tổ chức trưng bày, triển lãm với chủ đề “Hà Giang – mùa hoa Tam giác mạch năm 2016” nhằm giới thiệu với du khách những giá trị đặc sắc truyền thống, vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Hà Giang, những tiềm năng về phát triển du lịch; đồng thời công bố bản đồ quy hoạch du lịch, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư về lĩnh vực du lịch tại Hà Giang... Và “Nhân vật chính” không thể thiếu tạo nên sự thành công cho lễ hội Hoa Tam giác mạch hiện đang được tỉnh chỉ đạo các địa phương trong vùng Cao nguyên Đá chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân hình thành các điểm trồng hoa Tam giác mạch phục vụ lễ hội và du khách, với diện tích khoảng 1.000 ha. Theo đó, tại huyện Quản Bạ sẽ trồng khu vực gồm: Cụm hoa Tam giác mạch gắn với cảnh quan Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến, điểm hang Lùng Khúy, khu vực xã Quản Bạ. Tại huyện Yên Minh sẽ được trồng tại thôn Thèn Phùng, xã Na Khê trên trục Quốc lộ 4C; thôn Nà Tậu, xã Hữu Vinh và Trạm đón khách Yên Minh. Huyện Mèo Vạc hoa Tam giác mạch sẽ được trồng tại các danh lam, thắng cảnh của huyện như: Cụm hoa Tam giác mạch gắn với cảnh quan Mã Pì Lèng, khu vực thị trấn Mèo Vạc, các làng văn hóa du lịch... Còn tại huyện Đồng Văn, nơi diễn ra Lễ hội Hoa Tam giác mạch, đến thời điểm hiện tại, huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân trồng khoảng trên 400 ha cây hoa Tam giác mạch, trong đó tập trung tại các địa danh nổi tiếng phục vụ du lịch như: Cột Cờ Lũng Cú, Làng Văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm Trên, Khu Dinh thự Nhà Vương, xã Vần Chải... Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Tiếp nối sự thành công của Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ nhất – năm 2015, năm nay, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch để hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân trồng trên 400 ha cây hoa Tam giác mạch phục vụ cho lễ hội và du khách tham quan. Trong đó hỗ trợ 3 triệu đồng bằng giống, phân bón cho 1 ha vùng trọng điểm; 2 triệu đồng cho vùng không trọng điểm. Huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp hướng dẫn nhân dân trồng theo 3 khung thời vụ cụ thể, với phương châm 5 cùng: “Cùng giống, cùng khung thời vụ, cùng thời điểm chăm sóc, cùng bảo vệ thực vật và cùng thu hoạch” để đảm bảo hoa Tam giác mạch sẽ nở đẹp nhất vào từng thời điểm theo kế hoạch phục vụ lễ hội và du khách tham quan...

Trở lại với Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ nhất - 2015 được tỉnh tổ chức thành công, bước đầu đã tạo được ấn tượng, tình cảm với du khách về mảnh đất, con người và đặc biệt là hoa Tam giác mạch trên Cao nguyên đá. Ông, bà Hoàng Nhật Huy, Nguyễn Hương Dịu – Du khách tại Hà Nội lần đầu tiên đến với Hà Giang tham quan hoa Tam giác mạch đúng vào dịp Lễ hội Hoa Tam giách mạch lần thứ nhất – 2015 khi được hỏi đã khẳng định: Không chỉ gia đình mình mà sẽ mời gọi gia đình bạn bè đến với Hà Giang mỗi mùa hoa Tam giác mạch.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, lòng yêu mến của du khách trong và ngoài nước, Lễ hội Hoa Tam giác mạch Đồng Văn – Hà Giang sẽ trở thành “Thương hiệu du lịch” của Hà Giang trong tương lai không xa và cây hoa Tam giác sẽ là cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

VĂN NGHỊ

Nguồn: baohagiang.vn