Lai Châu: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa

Cập nhật:21/03/2017 16:34:00
“Lấy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tiêu biểu như: Thái, Lào, Lự để phát triển du lịch”, thực hiện mục tiêu đó, ngành Du lịch Lai Châu đã chú trọng đánh thức, khôi phục, phát triển các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


Bản Nà Luồng (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường) vẫn giữ nguyên những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Lào, thu hút đông đảo khách du lịch

Lai Châu thu hút du khách bởi nét nổi bật với nhiều loại hình du lịch: tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu văn hóa…; các điểm đến đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Lự, Lào, Thái trắng, Mông ở bản: Vàng Pheo (xã Mường So), Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) của huyện Phong Thổ; Nà Luồng (xã Nà Tăm), Bản Hon (xã Bản Hon) của huyện Tam Đường. Trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Lự tại xã Bản Hon không thể không nhắc đến: kiến trúc nhà sàn, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán. Đặc biệt, bà con nơi đây còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca trữ tình, đằm thắm. Ngoài ra, phụ nữ Lự còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống với các sản phẩm tinh xảo, cầu kỳ: váy, áo, khăn nhuộm chàm có thêu hoa văn; những vật dụng đan lát: giỏ đựng cá, giỏ đựng hoa. Nét đẹp văn hóa dân tộc Lự nơi đây còn thể hiện qua phong tục nhuộm răng đen điểm xuyến một vài chiếc răng bằng vàng giả còn giữ được đến ngày nay.

Văn hóa của người Thái trắng tại bản Vàng Pheo lại lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với 36 điệu xòe. Cùng đó là nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng như: Nàng Han (15/2 âm lịch), Then Kin Pang (10/3 âm lịch), Kin Khẩu Lẩu Mẩu hay Cơm mới (15/9 âm lịch). Văn hóa dân tộc Thái không thể thiếu hương vị ẩm thực đặc sắc từ những món ăn truyền thống: rêu đá, cá bống vùi tro, cá suối nướng, măng đắng, thịt trâu sấy… Đặc biệt hơn nữa là đồng bào còn bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa phi vật thể từ ngôi nhà sàn truyền thống đến những bộ váy, áo cóm, khăn piêu, áo chàm đen.

Ông Sùng A Hồ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 di tích được xếp hạng (4 di tích cấp Quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh), trong đó 6 di tích lịch sử văn hóa, 11 di tích danh lam thắng cảnh, 2 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 2 di tích khảo cổ. Những di tích này là nguồn tài nguyên vô giá để tỉnh khai thác phát triển du lịch. Do vậy, tỉnh luôn coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, từ đó tạo ra nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, đặc sắc. Góp phần không nhỏ xây dựng hình ảnh văn hóa du lịch riêng có của Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung”.

Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những nếp nhà sàn ngày một thưa thay vào đó là nhà xây kiên cố, nhà gỗ. Các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, điệu múa, tiếng sáo, tiếng khèn dần mai một bởi thế hệ trẻ không mặn mà theo đuổi, học tập. Hay trang phục truyền thống được giới trẻ thay bằng trang phục hiện đại, cách tân; một số nơi trẻ em không còn sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình… Nhằm khai thác, phát triển du lịch bền vững, hướng tới xóa đói giảm nghèo cho người dân, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Gắn xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với xóa đói giảm nghèo bền vững tại từng địa phương. Trong việc tổ chức lễ hội dân gian truyền thống, chú trọng để người dân là chủ thể tổ chức, còn cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đóng vai trò là người quản lý, định hướng. Song song với công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở, tỉnh khuyến khích, tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ kiến thức, cách sử dụng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Mường So, huyện Phong Thổ chia sẻ: “Hiện nay, ngoài giá trị văn hóa như: nhà sàn, trang phục truyền thống, xã có nhiều lễ hội mang đậm nét văn hoá đặc sắc của người Thái sinh sống tại khu vực Mường So. Để các giá trị văn hóa không bị lãng quên, mai một, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Loại bỏ hủ tục lạc hậu, duy trì các phong tục tập quán tốt đẹp, các điệu xòe, lễ hội truyền thống vừa giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa khai thác phát triển du lịch cộng đồng bền vững cho tương lai”.

Với giải pháp đúng đắn cùng với sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, tin rằng, ngành Du lịch Lai Châu sẽ ngày càng phát triển để Lai Châu có thêm nhiều cơ hội đón du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng.

Phương Ly

Nguồn: baolaichau.vn