Khám phá VQG Bái Tử Long - Vườn Di sản độc đáo bậc nhất Đông Nam Á

Cập nhật:24/05/2017 08:49:43
Vườn quốc gia Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) vừa trở thành Vườn Di sản thứ 38 của ASEAN và là VQG thứ 6 của Việt Nam được công nhận. Lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những cảnh tượng bày ra trước mũi thuyền. Mặt nước xanh ngọc, những đảo đá hoang sơ, vách núi cheo leo, những tán rừng nguyên sinh phủ kín bao bọc muôn loài chim thú.


VQG Bái Tử Long có hệ sinh thái độc đáo bậc nhất Đông Nam Á. Đây là trường hợp độc đáo trong các VQG của Việt Nam cũng như thế giới khi có cả ba hệ sinh thái điển hình và khá nguyên vẹn: hệ sinh thái núi đất; núi đá vôi và hang động; biển.

Anh Phạm Quốc Việt, cán bộ Vườn quốc gia Bái Tử Long giới thiệu như một hướng dẫn viên, vườn nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long - liền kề với Di sản vịnh Hạ Long với tổng diện tích gần 16 nghìn ha: “Tôi đã đưa rất nhiều đoàn khảo sát từ các viện nghiên cứu chuyên ngành. Họ đánh giá chung Bái Tử Long là vườn quốc gia mang tính đại diện cho vùng Đông Bắc của Việt Nam. Có hai nét đặc trưng cơ bản mà không một Vườn Di sản ASEAN nào có được, đó là hệ sinh thái tùng áng trong lòng núi đá vôi và rừng ngập mặn cổ thụ đã tồn tại cách đây vài trăm năm”.

Các chuyên gia cao cấp của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN đã khẳng định: VQG Bái Tử Long có hệ sinh thái độc đáo bậc nhất Đông Nam Á. Cách biệt về địa lý giúp Bái Tử Long vẫn còn nguyên vẹn tổ hợp các hệ sinh thái, từ núi đất, núi đá vôi và hang động cho đến hệ sinh thái biển.


Tiêu biểu phải kể đến long não, lim xanh, sến, táu, kim giao núi đất…; lợn rừng, hoẵng, nhím, báo gấm, nhiều loại rùa và quần thể nai vàng duy nhất trong vùng Đông Bắc.

Đây là trường hợp độc đáo trong các VQG của Việt Nam cũng như thế giới khi có cả ba hệ sinh thái điển hình, là “mái nhà chung” của 2.235 loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu: long não, lim xanh, kim giao núi đất; lợn rừng, hoẵng, nhím, báo gấm, nhiều loại rùa, quần thể nai vàng duy nhất trong vùng Đông Bắc. Hệ sinh thái san hô của Vườn được coi là đa dạng nhất hành tinh, được ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển”.

Theo chân anh Việt, chúng tôi lên Ba Mùn, nơi được mệnh danh là “đảo thú”, thiên đường của các loài động vật hoang dã. Trên đường đi, xác rắn lột, dấu vết lợn rừng, tiếng chim thú kêu văng vẳng. Nơi đây có đội cứu hộ động vật trên biển, nơi các cán bộ kiểm lâm của Vườn trở thành “ông đỡ” chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng các loài động vật hoang dã tịch thu, cứu hộ được từ những vụ buôn bán trái phép. Hàng năm, hàng trăm cá thể quý hiếm như vích, rùa, rắn hổ mang chúa, gấu ngựa, chồn, cáo, cầy hương, mèo rừng,... được thả về tự nhiên đều phục hồi tốt, giúp Ba Mùn ngày càng phong phú hơn về số lượng cá thể loài, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.


Vùng lõi của Vườn có đảo Ba Mùn, được coi là đảo thú, không có dân sinh sống. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp những loài động vật hoang dã trên đường xuyên đảo.

“Chúng tôi đã tiến hành đồng bộ các biện pháp bảo vệ, khoanh vùng, huy động nhiều lực lượng tham gia. Bên cạnh việc tuần tra kiểm soát thì chúng tôi cũng giám sát, quá trình anh em đi kiểm tra sẽ theo dõi các dấu vết, nắm rõ các loại động vật”, anh Nguyễn Văn Hùng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long chia sẻ.

Công tác bảo tồn còn được VQG triển khai dựa trên cộng đồng dân cư, cùng chính quyền địa phương nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững thân thiện với môi trường. Người dân 22 thôn nằm ở vùng lõi và vùng đệm được hỗ trợ phát triển sản xuất, tiền cây, con giống, đồng thời ký cam kết phối hợp ngăn phá hoại rừng, săn bắt thú. Ngư dân tham gia mô hình cộng quản, vừa khai thác, nuôi trồng, vừa trông coi, bảo tồn nguồn lợi lâu dài.

Anh Nguyễn Bá Trường, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn hào hứng kể: Công việc chính của chúng tôi ở đây là bảo tồn, trông coi, giữ gìn lâu dài nguồn nhuyễn thể ở khu vực vườn quốc gia này. Đây cũng là lợi ích kinh tế thiết thực của người dân, trung bình mỗi người doanh thu cũng từ 4-5 triệu. Bà con nhận thức rõ, phải làm theo bảo tồn để khai thác lâu dài.


Cùng với đó là rừng ngập mặn cổ thụ đã tồn tại cách đây vài trăm năm, có cây to bằng vòng tay người ôm.

Tuy vậy, câu hỏi làm thế nào để vừa phát triển, để Bái Tử Long không phải là “kho báu bị lãng quên”, lại vừa không làm mất đi giá trị cảnh quan, đảm bảo sự phát triển bền vững vẫn là bài toán khó.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc VQG trăn trở, cái tên Bái Tử Long chưa thu hút được nhiều du khách đến tham quan, vẫn chủ yếu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Giờ đây, khi đã trở thành Vườn Di sản ASEAN, du lịch có định hướng sẽ là “chìa khóa” để khai thác hiệu quả tiềm năng vô giá này.

"Vườn quốc gia Bái Tử Long có rất nhiều tiềm năng về hoạt động du lịch, ví dụ như du lịch thám hiểm, lặn biển ngắm san hô, đi đường tuần tra ngắm rừng tự nhiên, những bãi tắm hoang sơ. Định hướng trong tương lai chúng tôi sẽ thành lập Trung tâm Du lịch và giáo dục môi trường, khai thác tiềm năng này. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các tour tuyến của các loại hình du lịch khác nhau để đón tiếp nhiều lượt khách trong nước và quốc tế”. ông Nguyễn Thanh Phương nói.

Trải nghiệm cuộc sống hoang dã, giáo dục về môi trường, tiềm năng du lịch của VQG Bái Tử Long vẫn đang chờ được khám phá, góp phần nâng cao giá trị của Vườn Di sản ASEAN, một trong những khu vực sinh thái đa dạng và phong phú bậc nhất của Việt Nam và Đông Nam Á./.

Trường Giang

Nguồn: VOV.VN