Nên “nới” tiêu chí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế

Cập nhật:08/08/2011 09:23:24
Hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải là người có quốc tịch Việt Nam, có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên, nếu tốt nghiệp Đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.


Theo tiêu chí đó, tính đến nay, Sở VHTTDL Hà Nội đã cấp và đổi thẻ HDV du lịch quốc tế cho 1.829 người. Còn trong phạm vi cả nước, tính đến hết tháng 5/2011 có 5.272 người được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế. Số HDV được cấp thẻ chủ yếu là HDV sử dụng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung còn HDV sử dụng các ngoại ngữ khác có số lượng rất ít: tiếng Hàn Quốc có 13 HDV, tiếng Lào có 5 HDV, tiếng Bungary và Indonesia có 2 HDV, tiếng Rumani và Hungary có duy nhất 1 HDV.


Luật ra đời gần 5 năm song công tác đào tạo HDV du lịch vẫn hầu như chưa có nhiều chuyển biến. Do vậy, nếu áp dụng tiêu chí quy định trong Luật Du lịch sẽ có khoảng 500 HDV được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế theo diện đặc cách trước đây sẽ không được cấp thẻ mới. Theo đánh giá của TCDL, một số thị trường có nhiều khách du lịch đến Việt Nam song số lượng HDV sử dụng được ngôn ngữ của thị trường đó rất ít, không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế hiện nay như tiếng Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc… Sớm nắm bắt được tình hình này, từ năm 2010, Sở VHTTDL Hà Nội và Sở VHTTDL TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi TCDL đề xuất TCDL xem xét cấp cấp thẻ HDV du lịch quốc tế đối với các trường hợp không có bằng đại học sử dụng ngoại ngữ ít thông dụng.


Không chỉ có HDV ngoại ngữ hiếm mà HDV ngoại ngữ thông dụng như tiếng Anh cũng đã là “của hiếm” đối với nhiều địa phương vì đến nay có 7 tỉnh gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Thuận, Bình Phước, Bạc Liêu, Cà Mau chưa cấp được thẻ HDV du lịch quốc tế nào. Do vậy, có thể khẳng định, tiêu chí tốt nghiệp đại học là tương đối cao so với mặt bằng trình độ chuyên môn của HDV. Trong tương lai gần, nếu tiếp tục áp dụng tiêu chí của Luật Du lịch thì hạn chế đáng kể số lượng người được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế, đặc biệt là HDV các ngoại ngữ hiếm như tiếng Nhật, Đức, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan…


Do đó, việc “nới” tiêu chuẩn cấp thẻ HDV du lịch quốc tế là cần thiết theo hướng trình độ từ bậc cao đẳng trở lên sẽ được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế đồng thời cấp thẻ HDV du lịch quốc tế đặc cách đối với trường hợp không có bằng đại học, cao đẳng song sử dụng ngôn ngữ hiếm và có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn. Bên cạnh đó, nên chăng thay thế quy định HDV không tốt nghiệp chuyên ngành phải tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn để lấy chứng chỉ bằng quy định HDV chỉ cần tham dự các kỳ kiểm tra, sát hạch chuyên môn cần thiết là sẽ được cấp chứng chỉ. Còn về thời hạn, nên gia tăng hiệu lực của thẻ HDV từ 3 năm theo như quy định hiện nay lên 5 năm vì trình độ HDV không có nhiều biến động đồng thời giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan quản lý du lịch trong việc cấp thẻ.


Nguồn: Báo Du lịch