Là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” với nhiều di tích lịch sử và nét văn hóa truyền thống lâu đời, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Lệ Thủy còn sở hữu làn điệu hò khoan, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, lễ hội chùa Hoằng Phúc… Vùng đất này hội tụ đầy đủ các tiềm năng du lịch rất cần được đánh thức.
Suối nước nóng Bang đã được Tập đoàn Trường Thịnh tiếp tục đầu tư để phát triển du lịch
Huyện Lệ Thủy hiện có 18 di tích lịch sử, trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh. Các di tích nổi tiếng có thể kể đến là nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa An Xá, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc, Miếu Thành Hoàng, trận địa pháo binh Ngư Thủy…
Vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi cho những cảnh đẹp tự nhiên (rừng nguyên sinh, suối nước khoáng Bang, bãi tắm Tân Hải, khe Nước Lạnh, hang Đại tướng, hồ An Mã); các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống; ẩm thực độc đáo... Các làng nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm du lịch đang dần được khôi phục, duy trì và phát triển.
Về cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ cho du lịch, toàn huyện Lệ Thủy có 20 nhà nghỉ, 1 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 3 sao đang xây dựng và 1 khách sạn 5 sao đã được cấp phép xây dựng. Mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển rộng khắp với 29 chợ. Trên địa bàn có 2 hãng xe taxi và 1 tuyến xe buýt. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bưu chính viễn thông, tín dụng, thể thao, giải trí… phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của nhân dân.
Có thể thấy, tiềm năng du lịch của Lệ Thủy là rất lớn và cần được đánh thức. Hiện lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống được tổ chức hàng năm đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. Nhà lưu niệm Đại tướng, khu lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mỗi năm cũng thu hút được hàng chục nghìn lượt người đến viếng.
Đặc biệt, huyện đã đưa vào khai thác tuyến du lịch khám phá bản sắc văn hóa của người Vân Kiều. Tuyến du lịch này dự kiến đầu tư khoảng 10 tỷ đồng và đưa vào khai thác thử nghiệm cuối tháng 12 năm 2018. Dự kiến đến tháng 5-2019, tour sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, Tập đoàn Trường Thịnh đã xây dựng và đầu tư suối Bang thành khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng. Dự án đang được triển khai với các hạng mục, như: khách sạn tập trung, thể thao giải trí công cộng, tổ chức sự kiện, spa, biệt thự ven suối Bang lạnh, biệt thự cửa ngõ, giải trí, sân khấu nhạc nước, công viên…
Tổng mức đầu tư của dự án cho giai đoạn 1 là trên 250 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào quý 4 năm 2019. Sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo việc làm cho khoảng 400 lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó sẽ ưu tiên lao động là con em huyện Lệ Thủy.
Để góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Đại Hùng đã đầu tư xây dựng khu du lịch khe Nước Lạnh. Đây là khe nước rất đẹp chảy qua địa bàn xã Ngân Thủy và xã Trường Xuân (Quảng Ninh) còn hoang sơ, nằm giữa đại ngàn rừng nguyên sinh. Dự án gồm các hạng mục: khu nghỉ dưỡng cao cấp có bể bơi, khu nhà nghỉ trên cây, khu nhà nghỉ trên đồi, nhà hàng, các loại hình trò chơi dưới nước, khu cắm trại qua đêm…
Ông Vũ Trọng Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Đại Hùng chia sẻ: “Dự án được đầu tư với mục tiêu phát triển đồng bộ các loại hình sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trên cơ sở khai thác đi đôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên”. Dự án được đầu tư khoảng 80 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020 và sẽ đón tiếp khoảng 700 khách/ngày, giải quyết việc làm cho trên 150 lao động địa phương".
Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: “Để phát triển du lịch, huyện đang tập trung kêu gọi, xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông, đầu tư nguồn nhân lực.
Đồng thời, Lệ Thủy tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư xây dựng, khai thác tour du lịch thăm hang Đại tướng, khám phá và trải nghiệm khe Nước Lạnh, khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng khoáng Bang; kêu gọi đầu tư tuyến du lịch trải nghiệm Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang và đề nghị các cấp thẩm quyền sớm công nhận lễ hội này là lễ hội cấp quốc gia”.