Tuyên Quang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị hát then truyền thống

Cập nhật:04/05/2019 15:11:00
Từ lâu, hát then đã trở thành một nét độc đáo trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tuyên Quang. Thời gian qua, Tuyên Quang đã thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa hát then truyền thống.

 

Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học (ngoài cùng bên phải) nhiệt tình truyền dạy cho các học trò (Nguồn: baotuyenquang.com.vn)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những giá trị văn hóa của hát then truyền thống ở Tuyên Quang đã được quan tâm bảo tồn, gìn giữ. Then ở tỉnh Tuyên Quang được hình thành cùng với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày với hai hình thức thể hiện là then quạt và then tính. Then quạt là then mà người hát chỉ dùng quạt để kết hợp với các điệu múa then, không có nhạc đệm. Then tính là then có nhạc đệm (đàn tính), được phát triển trên cơ sở then quạt. Đối với đồng bào Tày, trước đây chỉ có những nghệ nhân “làm” then (ông Then, bà Then, các thầy Pụt, thầy Tào…) là những người nắm giữ các làn điệu then. Then cổ chỉ được diễn xướng trong môi trường tâm linh. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị hát then truyền thống luôn gắn liền với vai trò quan trọng của các nghệ nhân. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên nắm chắc số lượng các nghệ nhân; tuyên truyền, động viên và hướng dẫn các nghệ nhân tích cực sưu tầm các làn điệu then cổ, những cuốn sách then cổ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn biên dịch, sao chép để bảo tồn và lưu giữ giá trị của hát then. Theo thống kê, hiện nay Tuyên Quang có gần 60 nghệ nhân then, hơn 100 thầy Tào, thầy Pụt… Bên cạnh những bài then được đặt lời mới theo điệu cổ, các nghệ nhân cũng chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn những bài then cổ vì theo nhiều người, chính những bài then cổ là kết tinh các giá trị tinh túy nhất của hát then. Đến nay, nhiều cuốn sách then cổ do các nghệ nhân sưu tầm, sao chép đã trở thành tài liệu tập huấn trong các lớp học then ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Nghệ sĩ Ưu tú Tiêu Sơn Học ở thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chia sẻ, những người am hiểu về then, yêu then đều luôn cố gắng để hát then không bị mai một; điều quan trọng nhất trong bảo tồn hát then đó là truyền lại sự yêu thích, niềm đam mê và những giá trị văn hóa của hát then cho các thế hệ sau.

Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện tốt việc thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính để các nghệ nhân có điều kiện truyền dạy các làn điệu then, cọi, cách chơi đàn tính cho thế hệ trẻ. Từ nhiều năm nay, Trung tâm văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã thực sự là hạt nhân trong phối hợp, hướng dẫn các các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính. Là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về hoạt động của các câu lạc bộ, đến đầu năm 2019, toàn huyện Chiêm Hóa có 40 câu lạc bộ hát then, đàn tính với trên 1.200 người biết hát then, một nửa trong số đó biết chơi đàn tính. Các câu lạc bộ này được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu hát then, đàn tính tại các thôn bản, trường học, cơ quan, đơn vị… Các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính đã thường xuyên tổ chức truyền dạy các làn điệu then và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, tăng cường đoàn kết cộng đồng tại địa phương… Đến nay, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang đã duy trì hoạt động thường xuyên của gần 100 câu lạc bộ hát then, đàn tính. Đa số các câu lạc bộ đều hoạt động có hiệu quả với nội dung chủ yếu là hướng dẫn người dân, nhất là các bạn trẻ hát then và thực hành các làn điệu hát then. Trong đó, nổi bật là các hoạt động của một số câu lạc bộ ở các huyện: Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn… Then đã trở thành sợi dây kết nối mọi người trong bản làng, trong xã và anh em các dân tộc khác trong tỉnh gắn bó với nhau; cùng đoàn kết tránh xa các thói hư, tệ xấu. Tại nhiều thôn bản ở Tuyên Quang, dường như ai cũng biết hát then, chơi đàn tính…

Tìm hiểu được biết, năm 2012, nghi lễ then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 3/2017, hồ sơ “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, thực tế cho thấy, các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị hát then truyền thống đã đáp ứng đúng mong mỏi, nguyện vọng của người dân địa phương. Thời gian qua, Sở đã tổ chức các buổi liên hoan giao lưu văn nghệ trong đó có nội dung hát then, đàn tính; xây dựng Đề án “Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát then” tại một số địa phương; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ trang phục, dụng cụ biểu diễn… cho các câu lạc bộ; đưa hát then vào nội dung hoạt động ngoại khóa trong các trường học… Nhờ vậy, đã phát huy tốt giá trị hát then truyền thống trong các cộng đồng dân cư. Em Hà Mai Anh ở thôn Nà Thôm, thành viên câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang) chia sẻ: “Em tham gia câu lạc bộ cách đây 3 năm khi còn là học sinh lớp 6; nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ không chỉ giúp em thêm hiểu và yêu thích những làn điệu then mà còn tiếp thêm cho em tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị hát then truyền thống, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong lưu giữ, ghi chép những khúc hát, cung then; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các lạc bộ hát then, đàn tính nhằm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên người tày về nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng then. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hát then, đàn tính; tiếp tục lập hồ sơ tôn vinh các Nghệ nhân Ưu tú, có chính sách hỗ trợ đối với Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian, các thầy Pụt, thầy Tào… Qua đó, từng bước bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát then truyền thống; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Nguồn: ĐCSVN