Hát bội phục vụ du lịch

Cập nhật:13/08/2019 16:45:30
Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM vừa tái dựng vở hát bội thể nghiệm "Sanh vi tướng, tử vi thần" (tác giả: NSƯT Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu, biên đạo: NSƯT Xuân Quan, âm nhạc: NSƯT Hồ Văn Thành, chỉ đạo nghệ thuật: Lê Diễn). Đây là tác phẩm sân khấu hát bội phiên bản mới năm 2019, không lời, được đầu tư tái dựng phục vụ khách du lịch.

 

Một cảnh trong vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần

"Sanh vi tướng, tử vi thần" kể về những người dân yêu nước không phân biệt già - trẻ, gái - trai. Hễ giặc đến nhà, cướp bóc, đàn áp và thẳng tay giết người vô tội, có dã tâm thôn tính giang sơn thì những người con đất Việt luôn sẵn sàng đứng lên, sát cánh bên nhau, quyết tâm đánh đuổi đến cùng, dù có hy sinh.
 
 Trên sân khấu, những hình ảnh quen thuộc nơi đồng quê, cảnh cày bừa, gieo hạt, sinh hoạt dân gian… được dàn dựng quen thuộc, thể hiện một không gian văn hóa làng xã độc đáo, đậm chất Việt. Không gian yên bình ấy trở nên xáo động khi tiếng vó ngựa của giặc ngoại bang ào ạt cướp phá, đốt nhà, truy sát.
 
Trước tình hình đất nước nguy biến, hình ảnh người mẹ bệnh tật đã quyên sinh để con trai có thể dứt áo lên đường đánh giặc; những phụ nữ anh hùng dù bị xử tử cũng không hề run sợ trước quân thù, khiến người xem rung cảm.Ấn tượng hơn nữa là hình ảnh người dân thông minh, biết dựa vào rừng cây, sông nước… để đánh giặc, được dàn dựng khéo léo trong tác phẩm.
 
Đây là kịch bản mang tính thể nghiệm, được dàn dựng không có lời thoại, không có cảnh trí, cũng không có quá nhiều đạo cụ, chỉ sử dụng chủ yếu các trình thức vũ đạo tiêu biểu của loại hình nghệ thuật hát bội, múa, kết hợp kỹ thuật ánh sáng, tiếng động và âm nhạc vừa truyền thống vừa đương đại, được dàn dựng ước lệ xuyên suốt từ đầu đến cuối vở, giúp tạo nên một không gian sân khấu lôi cuốn, thú vị, mới mẻ dành cho người xem.
 
"Sanh vi tướng, tử vi thần" được công diễn lần đầu hồi năm 2007, là vở hát bội thể nghiệm khá đặc biệt vì không có hát, chỉ có những trình thức vũ đạo kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc, âm thanh, tiếng động, cùng với những biểu cảm trên gương mặt nghệ sĩ, thể hiện tổng thể nội dung, tâm trạng từng nhân vật. Chính vì không lời, chỉ cần xem hành động trình diễn là có thể cảm được câu chuyện, mạch kết nối, vai diễn của các nhân vật, vậy nên đây là một tác phẩm sân khấu hát bội có thể đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức và giải trí của khách du lịch phương xa.
 
Đặc biệt, với việc tái dựng vở, ê kíp thực hiện đã rút ngắn thời gian trình diễn còn dưới 60 phút để phù hợp nhu cầu thưởng thức của đời sống hiện đại. Dàn diễn viên trẻ của nhà hát được tạo điều kiện đảm nhận tất cả các vai chính trong vở diễn, trong đó có: Bảo Châu, Thanh Bình, Kiều My, Anh Thi, Ngọc Giàu, Minh Khương… là những diễn viên trẻ nòng cốt của nhà hát hiện nay.
 
Sau khi vở được dàn dựng hoàn chỉnh sẽ trình diễn 3 suất phục vụ khán giả tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (rạp Hưng Đạo cũ) vào tháng 9-2019. Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, tâm tư: “Cách đây hơn 10 năm, vở diễn được đầu tư dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế. Nay, tác phẩm được chọn tái dựng vì tính chất phù hợp phục vụ du lịch như không lời, chỉ sử dụng vũ đạo, trình thức đặc sắc của hát bội để thể hiện nội dung, âm nhạc vừa cổ truyền vừa hiện đại, mang tính thể nghiệm cao, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống Việt Nam của du khách quốc tế. Vở diễn sẽ là một trong những sản phẩm văn hóa nghệ thuật tích cực góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống đến với khách du lịch”.
 
Thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM cũng đang tìm kiếm thêm những địa điểm có không gian phù hợp để có thể đầu tư dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật gồm các trích đoạn tiêu biểu, tái dựng lại những lễ nghi… để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nhà hát vẫn rất cần sự hỗ trợ của UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM để có thể thực thiện được kế hoạch làm sân khấu du lịch ở thời điểm hiện nay.

Thúy Bình

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng