Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 đang tiến hành bình chọn. Việt Nam được vinh dự đề cử cho 6 hạng mục hàng đầu thế giới, trong đó có danh hiệu Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới (World’s Leading Cultural Destination 2019). Đây thực sự là cơ hội rất lớn cho không chỉ du lịch mà là cơ hội vàng cho quảng bá hình ảnh đất nước.
Di sản văn hóa của Việt Nam luôn là lực hút đối với du khách quốc tế , bởi ở đó họ sẽ được trải nghiệm những điều rất thú vị. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan di tích Cố đô Huế. Ảnh: Bùi Oanh
Trên thế giới, việc sử dụng tài nguyên văn hóa (vật thể và phi vật thể) cho mục đích du lịch là một hướng đi quan trọng trong những năm gần đây. Du lịch văn hóa được xem là thu hút khách có chi tiêu cao, ít gây thiệt hại cho môi trường, đóng góp vào nền kinh tế và hỗ trợ bảo tồn và phát triển văn hóa. Chính vì lý do đó, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã và đang cố gắng khai thác những giá trị văn hóa độc đáo của mình để đem lại lợi thế cho sự phát triển bền vững đất nước.
1.Dù mới ở trong danh mục đề cử của Tổ chức Du lịch Thế giới nhưng việc Việt Nam có được sự tín nhiệm này cũng đã giúp cho chúng ta ý thức được những vấn đề then chốt: Tài nguyên văn hóa của chúng ta vô cùng phong phú và có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Sự thừa nhận của Tổ chức Du lịch Thế giới đối với du lịch văn hóa Việt Nam chứng tỏ sự đánh giá cao đối với nguồn lực đặc biệt này. Chúng ta không chỉ có số lượng lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh (gồm 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 11 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và 7 Di sản tư liệu), mà còn có sự phong phú của 54 dân tộc anh em, một truyền thống hiếu khách đặc biệt,... đã tạo dấu ấn cho một điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Văn hóa là động lực cho sự phát triển kinh tế– xã hội giờ đây không chỉ còn lànhững câu chữ trên giấy tờ nữa!
Thứ nữa, đây là sự công nhận đối với những nỗ lực đúng đắn màchúng ta đãvàđang thực hiện những năm gần đây trong phát triển lĩnh vực du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Trong những năm vừa qua, lĩnh vực du lịch được sựquan tâm đặc biệt của Đảng vàNhànước. Nghịquyết 08-NQ/ TW năm 2017 vềphát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và nhiều các văn bản khác có liên quan... đã xem xét yếu tố du lịch văn hóa như một yếu tốquan trọng cấu thành ngành du lịch của đất nước. Việc đề cử chính là một trong số những kết quả, “trái ngọt” đầu tiên, hiện thực hóa của những quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành văn hóa, thể thao và du lịch đối với lĩnh vực du lịch văn hóa nói riêng, phát triển văn hóa của đất nước nói chung. Bài học ở đây là, nếu văn hóa nói chung, du lịch văn hóa nói riêng, nhận được sựquan tâm đầy đủ và có được quyết tâm thực hiện, chúng ta có thể thực hiện thắng lợi được những nhiệm vụ hết sức khó khăn, được thế giới ghi nhận khách quan như trong trường hợp đề cử này chẳng hạn.
2.Và sự ghi nhận của Tổ chức Du lịch Thế giới cũng cho thấy những đóng góp của các phương tiện truyền thông và toàn xã hội trong việc tạo ra hình ảnh đẹp cho du lịch Việt Nam. Những đóng góp của các phương tiện truyền thông, trong đó có các phương tiện truyền thông mới như Internet và mạng xã hội đã giúp chúng ta chấn chỉnh những hiện tượng chưa đẹp trong du lịch Việt Nam. Sự chung tay, chung sức của người dân trong việc lên án những hành vi không phù hợp đã khiến cho bạn bè thế giới có thiện cảm thực sựđối với đất nước và con người Việt Nam. Đây lànhững yếu tố giúp chúng ta hình thành nên sự thân thiện của điểm đến – một yếu tố then chốt của du lịch văn hóa.
Cơ hội và thách thức đến từ việc đề cử và nhận danh hiệu điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới rất nhiều. Rõ ràng, cơ hội thuận lợi là rất nhiều khi Việt Nam được đề cử là điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới. Đầu tiên làcơ hội quảng bá du lịch và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Văn hóa chính là thiện cảm, là sức mạnh mềm của một quốc gia. Từ thiện cảm đối với văn hóa, con người Việt Nam, chúng ta cóđiều kiện nâng cao hơn nữa hình ảnh đất nước, nhờ đó khẳng định vị trí quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa có nhiều biến động, tạo điều kiện phát triển bền vững đất nước; Tiếp theo đó, từ thương hiệu du lịch văn hóa, việc khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch văn hóa sẽ nhận được chú ý nhiều hơn, đem lại lợi ích kinh tế cho nhiều bên liên quan, trong đó có những người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thể hiện đúng phương châm của Chính phủ là không để ai bị bỏ lại phía sau. Việc cung cấp sản phẩm du lịch văn hóa cũng góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị các văn hóa của điểm đến, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, đồng thời tạo thêm nguồn lực tài chính cho giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
3.Tuy vậy, thách thức đến từ việc đề cử và nhận danh hiệu này cũng không hề ít. Đầu tiên đến từ việc giữ gìn thương hiệu điểm đến hấp dẫn về văn hóa. Thực tế cho thấy, chúng ta còn nhiều việc phải làm đểdu lịch văn hóa Việt Nam trở nên thực sự hấp dẫn. Nhiều di sản văn hóa vắng khách, chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình; vấn đề ô nhiễm môi trường; những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động du lịch, chụp giật, tăng giá dịch vụ quá mức... Những vấn đề đó, nếu không được giải quyết sớm, sẽ làm du khách mất niềm tin vào điểm đến hấp dẫn về văn hóa của đất nước. Tiếp theo, việc phát triển du lịch văn hóa cũng có thể gây ra những lo ngại nhất định khi chúng ta không quản lý tốt điểm đến, để du lịch tác động tiêu cực đến lối sống, phong tục truyền thống, và cả những di sản của các cộng đồng. Sự trả giá cho du lịch không tính toán đến lợi ích phát triển bền vững là vô cùng lớn!
Để xứng đáng với đề cử điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới và danh hiệu này trong thời gian sắp tới, chúng ta có nhiều việc phải làm. Theo tôi, trong số những giải pháp quan trọng đó là chúng ta cần khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch sự kiện; Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí. Xây dựng các thương hiệu du lịch quốc gia; Chú trọng phối hợp liên ngành, giữa các địa phương trong việc quản lý, khai thác và phát huy một cách phùhợp các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa; xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch; cũng như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch.
Chúng ta cùng nhau hy vọng những tôn vinh đối với du lịch Việt Nam. Đó cũng là hình ảnh và niềm tự hào dân tộc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn