Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công là chủ trương xuyên suốt được lãnh đạo thành phố xác định. Để hiện thực hóa chủ trương đó, thành phố chú trọng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Định hướng phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, mở rộng các tuyến du lịch liên vùng dựa trên việc xây dựng du lịch đặc thù cho từng địa phương. Thành phố luôn chú trọng công tác quy hoạch xây dựng các quận, huyện trực thuộc phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tầm nhìn trước mắt và lâu dài của từng vùng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, nâng cao mức sống cho nhân dân và bảo vệ môi trường sống ngày càng tốt hơn.
Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố tập trung vào các nhóm giải pháp chính: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm; phát huy và khai thác có hiệu quả các công trình di tích lịch sử văn hóa đã được đầu tư gắn với phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch Cần Thơ gắn với những sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bị nhận xét là đơn điệu bởi sự trùng lắp giữa các địa phương trong vùng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Thanh Đức Hải (Viện Kinh tế Xã hội Cần Thơ) cho rằng, để giải quyết bài toán này, mỗi tỉnh, thành cần xây dựng gian hàng, điểm mua sắm dừng chân cho các đoàn khách để quảng bá những sản phẩm, đặc sản của địa phương; trong xây dựng dịch vụ phải có sự chắt lọc cũng như tinh tế trong nhận diện để du khách có những hoạt động hợp lý và liên tiếp. Thành phố Cần Thơ cần chú trọng phát triển mô hình du lịch miệt vườn sông nước, góp điểm nhấn cho bức tranh chung về du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những loại hình du lịch của các địa phương khác như: du lịch nghệ thuật truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp… để tạo thành chuỗi điểm đến không trùng lắp, du khách không nhàm chán.
Ngoài ra, theo Phó Giáo sư Hải, thành phố cần có sự đánh giá nhóm khách hàng tiềm năng để thiết kế tour du lịch phù hợp với văn hóa, sở thích của họ. Đa phần khách nước ngoài thích du lịch trải nghiệm, tìm hiểu sâu về văn hóa bản địa, khác với du khách trong nước thích chụp hình. Vì vậy, các tour cho khách nước ngoài không cần quá nhiều điểm đến mà cần chú trọng giao lưu, trải nghiệm. Du khách du lịch Nhật Bản hầu hết là nhóm người cao tuổi, họ thích du lịch nghỉ dưỡng thay vì du lịch mua sắm như khách Trung Quốc. Do đó, các tour du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng sẽ phù hợp với khách Nhật Bản, còn mô hình du lịch mua sắm tại các trung tâm thương ở trung tâm thành phố lại phù hợp với khách du lịch Trung Quốc.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, để du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có thể cất cánh, trước hết cần phát triển hệ thống giao thông, kết nối thông suốt, thuận tiện đi lại giữa các điểm du lịch trong vùng. Với sự kiện thông xe cầu Vàm Cống vào tháng 5/2019, cây cầu bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (Cần Thơ) và trước đó là cầu Cao Lãnh thông xe vào tháng 5/2018, diện mạo giao thông của vùng đã thay da đổi thịt, kéo theo sự phát triển mạnh về kinh tế - du lịch, kết nối tua tuyến giữa các địa phương. Tại Cần Thơ, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như: cầu Quang Trung 2, cầu Trần Hoàng Na, các tuyến đường nâng cấp đô thị, đường kè hồ Bún Xáng, kè dọc từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng, tuyến tàu cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ… Bên cạnh đó, giao thông hàng không cũng khởi sắc với sự xuất hiện của các hãng bay mới, nhiều đường bay mới được mở.
Về kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trọng điểm cho Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Cần Thơ cho biết: Cần Thơ đang mời gọi đầu tư 8 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao, giải trí. Đó là: Khu Du lịch sinh thái cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt), Khu Du lịch sinh thái Phong Điền, Khu Du lịch sông Hậu (Ninh Kiều), Khu vui chơi giải trí Cần Thơ (quận Bình Thủy), các hạng mục công trình kêu gọi xã hội hóa thuộc Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, Khu nhạc nước và dịch vụ đa chức năng thuộc Trung tâm Văn hóa Tây Đô (Cái Răng), Hồ bơi Trung tâm thành phố (Ninh Kiều), Bến tàu tổng hợp Cần Thơ (Ninh Kiều). Các dự án này được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn và tạo điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ. Bên cạnh đó, thành phố chú trọng phát huy và khai thác những điểm du lịch sẵn có, đặc biệt là những di tích lịch sử như: Nhà cổ Bình Thủy, Khu Di tích Dàn Gừa, chùa Nam Nhã…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, khai thác du lịch dựa vào lợi thế của vùng, đi theo hướng thân thiện và dựa vào tự nhiên là hướng đi nhiều triển vọng cho phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc phát triển nhanh và mạnh hệ thống nhà vườn, homestay… cho thấy, triển vọng của xu hướng du lịch xanh gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bên cạnh mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy), Cần Thơ còn đang chứng kiến những mô hình khai thác du lịch dựa trên tài nguyên bản địa của các nhà đầu tư tư nhân như: Vàm Xáng Rustic Home (huyện Phong Điền), Cần Thơ Ecolodge (quận Cái Răng)… với vật liệu xây dựng và trang trí cảnh quan trong khu du lịch hầu hết được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên như gốc cây, thân cây đước, cây sậy... Theo đánh giá của các chuyên gia, những mô hình này giúp nhà đầu tư rút ngắn được 1/3 thời gian hoàn vốn đầu tư khi quyết định không bê tông hóa khu nghỉ của mình, thay vào đó là xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường, mở nhiều không gian cho khách tiếp cận với thiên nhiên, dùng thực phẩm được trồng ngay trong khu nghỉ và mở những tour kết nối khách với cộng đồng dân cư xung quanh.
Bàn thêm về khía cạnh phát triển du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên, Tổng Giám đốc Khách sạn Victoria Cần Thơ Võ Xuân Thư nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Đối với người dân địa phương, cần tuyên truyền để họ hiểu được tầm quan trọng của việc khai thác du lịch không thể tách rời với trách nhiệm bảo vệ môi trường, cụ thể là các nguồn tài nguyên, đất, nước. Từ đó, hình thành thói quen không xả rác, nước thải trực tiếp ra sông ngòi, không sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng và chế biến thực phẩm… Đối với người kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, cần chú trọng khâu đào tạo nhân sự; đội ngũ hướng dẫn viên phải giỏi về chuyên môn và có ý thức bảo vệ môi trường, có hành động gương mẫu để thành viên đoàn du lịch học hỏi theo. Đối với du khách, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại các nơi đến. Du khách cần hiểu rằng họ có thể bị từ chối phục vụ, thậm chí bị xử phạt nặng nếu không có tác phong và thái độ đúng đắn tại các điểm du lịch.
Ánh Tuyết