Sin Suối Hồ là một bản nhỏ của người Mông ở xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), cách thành phố Lai Châu khoảng 30km. Đặt chân đến Sin Suối Hồ vào bất cứ mùa nào trong năm, du khách sẽ đều bị cuốn hút bởi phong cảnh hữu tình và những phong tục tập quán truyền thống của người Mông vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mang lại sự đổi thay đáng kể cho đời sống người dân nơi đây.
Người dân Sin Suối Hồ đón khách du lịch
.Hấp dẫn bản “suối có vàng”
Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Cái tên ấy đủ gợi lên cho du khách về một bản nhỏ bình yên, đầy cây trái với những thác nước, khe suối rì rào suốt đêm ngày. Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Sin Suối Hồ có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành. Đấy cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình du lịch sinh thái.
Đến Sin Suối Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông. Điểm nhấn độc đáo của những ngôi nhà này là hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh nhà, chỉ cao tới nửa người. Cấu trúc này vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa có công dụng làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Đến nay, tại bản Sin Suối Hồ còn giữ được hàng chục ngôi nhà trình tường truyền thống, tạo nên phong cảnh hữu tình đồng thời làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách.
Không chỉ có vậy, Sin Suối Hồ còn hấp dẫn du khách bởi đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Đặc sắc nhất phải kể tới những lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng như Lễ hội Gầu Tào - lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông, được tổ chức từ mồng 3 đến mồng 6 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn như ném pao, đẩy gậy, kéo co, tù lu... Ngoài ra còn có các lễ hội thường niên như Lễ hội mừng thóc mới, Lễ hội rau cải Mèo... Phụ nữ Mông ở bản hiện vẫn mặc, dệt các trang phục truyền thống từ vải lanh và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ. Cùng với đó, các nghề truyền thống như thêu thổ cẩm, nấu rượu, đan lát, rèn... cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Với “mỏ vàng” là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng, Sin Suối Hồ đã và đang trở thành bản du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước. Đáng nói là dù mới bắt tay vào làm du lịch được vài năm nhưng nơi đây đã trở thành “điểm sáng” về du lịch cộng đồng của tỉnh Lai Châu bởi cách làm bài bản, ý thức và tác phong chuyên nghiệp của người dân.
Nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng
Sin Suối Hồ có 123 hộ dân, 658 nhân khẩu, 100% là người Mông, trong đó có 10 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ tự chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa nhà vệ sinh, trang bị chăn gối... đạt tiêu chuẩn để đón khách. Hiện nay, bản Sin Suối Hồ có thể đón tiếp cùng lúc hơn 100 du khách/ngày đêm với mức giá dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/người/đêm. Trung bình mỗi năm, Sin Suối Hồ đón khoảng 100 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ.
Có được sự chuyển biến tích cực ấy là nhờ sự mạnh dạn đi đầu của trưởng bản Vàng A Chỉnh. Với uy tín của mình cùng việc dám nói, dám làm, trưởng bản Vàng A Chỉnh là người đầu tiên ở bản Sin Suối Hồ tự mày mò tìm cách phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với thời gian, ông đã chứng minh cho dân bản thấy đây là lối đi đúng để cuộc sống đổi thay theo hướng tốt đẹp hơn. Theo trưởng bản Vàng A Chỉnh, trước đây Sin Suối Hồ từng là “điểm nóng” với số người nghiện ma túy khá đông. Tuy nhiên, từ năm 2005, số người nghiện đã giảm dần. Đến nay cả bản không còn người nghiện ma túy nhờ sự phát triển của du lịch cộng đồng. Từ chỗ là một bản nghèo, sau 15 năm, hiện nay nguồn thu nhập của các hộ gia đình đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương như cây địa lan, thảo quả, táo mèo, thổ cẩm, sản phẩm làm bằng mây, tre đan...
Với điều kiện khí hậu thuận lợi, Sin Suối Hồ nay đã trở thành “vựa” địa lan lớn của vùng Tây Bắc. Nhiều gia đình trong bản có mức thu nhập tăng đáng kể nhờ trồng và bán địa lan cho khách du lịch. Anh Vàng A Giàng, chủ một vườn lan ở Sin Suối Hồ cho biết: “Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm nhờ trồng lan. Những hộ vừa làm dịch vụ homestay vừa trồng địa lan còn thu tới 200 - 300 triệu đồng/năm. Với nguồn lợi ấy, giờ đây bà con đã chủ động trang trí nhà cửa, nhân rộng các vườn địa lan để đón khách du lịch. Chúng tôi còn được chính quyền địa phương hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kỹ năng đón tiếp khách để làm du lịch một cách chuyên nghiệp hơn”.
Sau chuyến tham quan, nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại bản Sin Suối Hồ, chị Bạch Vân Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Những trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên và con người ở Sin Suối Hồ đã để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp. Ấn tượng nhất là một bản nhỏ sạch sẽ, khắp nơi đều có hoa lan và các loài cây trái. Chúng tôi được thưởng thức các món ăn mang hương vị độc đáo của người Mông như mèn mén, nước thảo quả, thịt treo gác bếp hay các loại rau, măng rừng...”. Còn du khách người Pháp Pierre Varlet thì đặc biệt ấn tượng với kỹ thuật thêu thổ cẩm và những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông cũng như những trải nghiệm tuyệt vời khi được cùng các gia đình gặt lúa, trồng và chăm sóc thảo quả... “Chắc chắn tôi sẽ quay lại đây cùng bố mẹ mình vào một ngày gần nhất để họ thấy đất nước và con người Việt Nam tuyệt vời thế nào”, anh Pierre Varlet nói.
Từ sự thành công của bản Sin Suối Hồ, hiện Lai Châu đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 điểm bản du lịch cộng đồng ở hầu hết các huyện và thành phố Lai Châu. Đề án Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020 cũng xác định ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực là du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường. Với chủ trương và những nỗ lực kể trên, chắc chắn Lai Châu sẽ có thêm nhiều “bản Sin Suối Hồ” hơn nữa trong tương lai...
Cao Minh