Hơn 2.000 vận động viên tranh tài ở nhiều nội dung chạy Marathon đã làm cho hòn đảo Lý Sơn vốn yên bình giữa biển khơi trở nên rộn ràng.
Các vận động viên chạy trên một cung đường tuyệt đẹp (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)
Từ tờ mờ sáng ngày 5/7, tại thắng cảnh Hang Câu, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), gần 2.000 vận động viên đến từ các tỉnh, thành trong cả nước đã tham gia Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 61.
Giải đấu do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi và báo Tiền Phong tổ chức.
Đây là một giải đấu quan trọng, đã được đưa vào hệ thống thi đấu của điền kinh Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, được tổ chức vào tháng 3 hàng năm nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) và ngày Thể thao Việt Nam (27/3). Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giải đã lùi sang tháng 7.
Ngoài gần 2.000 vận động viên (trong đó có 27 đoàn vận động viên chuyên nghiệp), giải đấu còn thu hút sự tham gia của hơn 100 trọng tài và 300 tình nguyện viên. Có thể nói, đây là giải đấu đỉnh cao có tuổi đời lâu nhất trong làng thể thao Việt Nam.
Các vận động viên tranh tài ở các nội dung thi đấu gồm hơn 42,195 km Marathon nam, nữ hệ tuyển và hệ phong trào; 21,1 km bán Marathon nam, nữ hệ tuyển và hệ phong trào; 10km nam tuyển, nam trẻ; 5km nữ tuyển, nữ trẻ và 10km nam, nữ phong trào.
Chung cuộc, giải Nhất toàn đoàn thuộc về đơn vị tỉnh Bình Phước và giải Nhì toàn đoàn thuộc về đơn vị tỉnh Quảng Ngãi.
Có thể nói, Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm nay đã mang lại cho người tham gia những trải nghiệm độc đáo với những cung đường chạy biển tuyệt đẹp đồng thời giải đấu này cũng đem lại cho địa phương cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 còn để lại nhiều ảnh hưởng.
Đặc biệt, bước chạy của mỗi vận động viên tham gia giải trên đảo Lý Sơn lần này được xem là tiếp nối truyền thống giữ nước của ông cha, là những bước chân khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bởi lẽ, địa danh này chính là nơi Chúa Nguyễn từng lập Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ghi dấu nhiều chứng tích, tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
Lâm Phan