(TITC) - Vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Đà Nẵng và lan sang một số địa phương đã một lần nữa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch, lữ hành. Hàng chục nghìn tour du lịch đã bị hoãn, hủy do tâm lý lo lắng của du khách. Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý du lịch địa phương và các hiệp hội đang khẩn trương, nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn và quyền lợi cho khách du lịch, đồng thời giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Khó khăn chồng khó khăn
Trong 3 tháng qua từ tháng 5 đến tháng 7, với chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” hoạt động du lịch nội địa đã có những tín hiệu khởi sắc sau thời gian đóng băng vì dịch bệnh. Lượng khách nội địa đã đông trở lại, nhất là tại một số trọng điểm du lịch. Với việc tập trung triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu, các doanh nghiệp du lịch đã từng bước phục hồi hoạt động, duy trì trở lại một lượng lao động nhất định.
Tuy nhiên, từ ngày 25/7, những ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày được phát hiện ở Đà Nẵng và lan sang một số địa phương, tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) của các doanh nghiệp du lịch lớn TP. Hồ Chí Minh đã bị huỷ. Ở Hà Nội, từ ngày 28-30/7 đã có trên 7.500 lượt khách của 22 đơn vị lữ hành hủy tour. Tại Lâm Đồng, theo thống kê sơ bộ của Sở VHTTDL tỉnh, số lượng phòng bị hủy tại Đà Lạt lên đến 16.000 phòng và còn có khả năng tăng; 8 công ty lữ hành tại Lâm Đồng thống kê có khoảng 4.000 lượt khách hủy tour...
Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%. Việc hoàn trả kinh phí cho khách đặt trước là rất khó khăn do kinh phí này cũng đã được doanh nghiệp lữ hành đặt dịch vụ tại điểm đến theo chương trình tour. Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp cho biết họ chỉ đang tập trung tối đa để xử lý những yêu cầu về hủy, hoãn tour của khách.
Đây là thời điểm cần chung tay chia sẻ khó khăn, xây dựng hình ảnh thân thiện
Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương đã khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo sự an toàn và quyền lợi của khách du lịch.
Ngày 29/7, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã ký công văn số 982/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các địa phương yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trước diễn biến của dịch Covid-19.
Đồng thời trong văn bản, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng kết nối với doanh nghiệp và khách du lịch, kịp thời nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và du khách; vận động, tuyên truyền khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn cùng hợp tác, chia sẻ khó khăn trong việc hoãn, hủy, đổi chương trình du lịch đã ký kết do tác động của dịch bệnh.
Trên tinh thần đó, vừa qua, Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước đề nghị vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn, đồng thời hoàn tiền cho doanh nghiệp lữ hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thanh toán với khách hàng.
Các địa phương khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lâm Đồng... cũng đã nhanh chóng có những động thái ủng hộ, hưởng ứng liên kết hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành vượt qua thời điểm khó khăn này.
Sở Du lịch Hải Phòng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, vận chuyển, nhà hàng... trên địa bàn nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ khó khăn, thiệt hại, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành bàn biện pháp hoàn lại khách kinh phí đã đặt dịch vụ hoặc bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp.
Sở Du lịch Quảng Ninh cũng nhất trí, hơn lúc nào hết, thời điểm hiện nay việc liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương là rất cần thiết. Để tháo gỡ khó khăn cũng như tạo dựng hình ảnh điểm đến, Sở Du lịch Quảng Ninh đề nghị các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Quảng Ninh bàn thảo việc hoàn lại kinh phí đã đặt dịch vụ do khách hoãn, hủy tour.
Dịch Covid-19 tái phát đã lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định đây là một “cú đánh bồi” đối với ngành du lịch sau thời gian nhen nhóm hồi phục. Thậm chí thiệt hại lần này sẽ còn lớn hơn khi “nội lực” của nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt dần. Sự suy yếu và đứt gãy của chuỗi giá trị du lịch sẽ mang lại tác động tiêu cực, làm giảm sức chiến đấu, phục hồi của ngành trong giai đoạn hậu Covid-19.
Hơn lúc nào hết, vào lúc này cả ngành du lịch cần đồng lòng với tinh thần trách nhiệm, chung tay chia sẻ, bảo đảm lợi ích của cả khách du lịch và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Sự đoàn kết, nhất trí của toàn xã hội dưới sự chỉ đạo đúng đắn và quyết liệt của Đảng, Nhà nước đã mang lại thành công trong khống dịch Covid-19 giai đoạn 1 cần tiếp tục được phát huy để phục hồi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.