Chủ động và sáng tạo, các doanh nghiệp du lịch đang tìm mọi cách để tiếp cận du khách với những gói sản phẩm hấp dẫn cả về giá cả, dịch vụ và điểm đến.
Hoạt động du lịch đã có những tín hiệu khởi sắc
Sau khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục phát động kích cầu du lịch với chủ đề Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn vào những tháng cuối năm 2020, hoạt động du lịch trên cả nước đã có những tín hiệu khởi sắc.
Chủ động xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn
Vừa trở về sau chuyến khảo sát các cung đường Tây Bắc và Tây Bắc mở rộng giữa mùa vàng chín rộ trên các thửa ruộng bậc thang, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Vietrantour cho biết: “Các tour đến Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng đang bán rất tốt. Đông và Tây Bắc hiện là mùa đẹp nhất trong năm, không chỉ khách miền Nam mà cả khách miền Bắc, những người đã đi Tây Bắc nhiều lần rồi đều muốn quay trở lại. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng và sinh thái mấy năm gần đây phát triển mạnh mẽ trên vùng núi phía Bắc nên du khách được trải nghiệm những dịch vụ thân thiện, gần gũi với đời sống văn hóa bản địa”.
Bà Huyền cũng chia sẻ, ngay sau khi dịch Covid-19 vừa qua cơ bản đã được kiểm soát, từ lãnh đạo tới nhân viên công ty đã triển khai ngay công tác khảo sát lại toàn bộ các tuyến điểm để làm mới và xây dựng thêm sản phẩm.
Dịch bệnh tái bùng phát khiến các công ty phải nhanh chóng có những thay đổi để phù hợp với nhu cầu của khách và xu hướng du lịch mới. Hầu hết đều không tập trung vào việc đón các đoàn khách đông (vì cũng không còn đoàn đông để đón) mà chủ yếu khai thác các nhóm nhỏ và các thị trường “ngách” như: Khách du lịch về nguồn; khách chơi golf; khách nghiên cứu; khách hội nghị, hội thảo, khen thưởng… Các liên minh du lịch tiếp tục phát huy sức mạnh khi kết nối dịch vụ hàng không, lưu trú, lữ hành, vận chuyển, điểm đến để tạo thành những sản phẩm hấp dẫn về giá, linh hoạt các điều kiện hoàn hủy và tạo sự an tâm cho du khách.
“Tôi nghĩ, thời điểm này chúng ta không cần quá băn khoăn về giá mà cố gắng phục vụ khách sao cho chất lượng nhất. Chính du khách sẽ là người truyền thông hữu hiệu để du lịch Việt có thể “hồi sinh” vào cuối năm. Khách an tâm, du lịch an toàn đã là một thắng lợi. Ngoài khách đi theo nhóm nhỏ, nên có điểm đến, dịch vụ chất lượng cao cho khách đi theo đoàn lớn. Cần phải kích cầu bằng chất lượng dịch vụ”, bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc văn phòng Hà Nội (Tổng công ty Du lịch Sài Gòn- Saigontourist) chia sẻ. Hiện nay, bức tranh du lịch của Saigontourist đã có tín hiệu khởi sắc. Doanh nghiệp lữ hành đồng hành cùng doanh nghiệp lưu trú và hàng không để cung cấp các sản phẩm mới hấp dẫn. Các đoàn khách hoãn tour từ các tháng trước đang quay trở lại với tâm thế hồ hởi.
Còn theo bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh SunWorld (Tập đoàn SunGroup), hiện nay sản phẩm du lịch đã giảm giá xuống đến mức thấp nhất, mùa du lịch cao điểm khách nội địa đã qua... Vì thế, đây là lúc cần xóa bỏ tâm lý e ngại dịch bệnh của du khách. Đồng thời cũng cần làm mới các gói sản phẩm cũ, tăng cường liên kết để tạo thêm các sản phẩm hấp dẫn. Một việc cũng rất quan trọng để có thể kích cầu thành công là đẩy mạnh liên kết các điểm đến vùng, miền như: Các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh miền Tây, các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc… Doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, vận chuyển liên kết để đưa ra các combo du lịch (vé máy bay + phòng khách sạn) hấp dẫn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần cam kết với nhau về giá (giữ nguyên hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ) chứ không phải cứ thấy khách đông là lại tăng giá. Đồng thời minh bạch lộ trình thực hiện và truyền thông rộng trong giới du lịch, đảm bảo cuộc chơi văn minh để thu hút khách hàng.
Xác định “chung sống hòa bình” với Covid-19
Theo Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đến hết quý I.2020, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý II toàn thế giới giảm 87%, tính chung 6 tháng đầu năm giảm 65% và ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 440 tỉ đô la Mỹ; nếu dịch bệnh không được khống chế thì dự báo năm nay doanh thu toàn ngành sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ. Chính vì những ảnh hưởng nặng nề như vậy và vì chưa ai chắc chắn dịch có bùng phát trong cộng đồng lần nữa hay không nên giải pháp ứng phó cũng cần phải rất thận trọng, tốt nhất là xác định “chung sống hòa bình” với Covid-19.
“Cuộc sống không thể dừng lại vì Covid-19. Chính phủ cũng yêu cầu phải phát triển kinh tế song song với phòng, chống dịch. Nhiều địa phương hiện nay đề cao việc chống dịch hơn phát triển kinh tế, song nếu cứ thế có lẽ sẽ “chết trước” khi dịch bị tiêu diệt. Ngành du lịch có thể đề xuất Chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền...”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ và cho biết thêm, hiện có tới 10-15% doanh nghiệp giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền các địa phương cũng đã giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp du lịch có động lực tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho ngành trong tương lai.
Ông Bình cũng cho rằng, nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì chưa phải là giải pháp tốt nhất, không phải là đường dài. Tổ chức Du lịch Thế giới đã đưa khẩu hiệu: Covid-19 chuyển đổi du lịch. Vì thế, cần tư duy để tiếp cận khách hàng theo cách mới. Doanh nghiệp cũng cần ủng hộ chủ trương của Tổng cục Du lịch, kích cầu du lịch lần hai song song với nghiên cứu, tìm hiểu để chuyển đổi du lịch thành ngành kinh tế số. Cần xác định dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay lập tức.
Lấy ví dụ dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2 tại Đà Nẵng đã gây tâm lý e ngại cho du khách, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel đề xuất, Nhà nước cần ban hành quy trình để du khách, nhà cung cấp dịch vụ du lịch và các hãng hàng không biết phải làm gì sau khi du lịch về hoặc khi điểm đến bùng phát dịch thì phải làm thế nào.
Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Hoài Nam, Giám đốc văn phòng khu vực miền Bắc của Hãng hàng không Vietjet Air cho rằng, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, du lịch nội địa hiện đã có khởi sắc tích cực. Ngày 30.9, Vietjet Air sẽ khai thác lại đường bay quốc tế, từ Seoul (Hàn Quốc) về TP.HCM. Trước tiên là các chuyên gia, nhà ngoại giao, thợ có tay nghề cao... sẽ về nước. Dù họ không phải khách du lịch nhưng từ trải nghiệm ban đầu sẽ khởi động cho những chuyến bay sau, điều đó sẽ làm nảy sinh nhu cầu du lịch trong nước. Điều quan trọng là chúng ta cần có quy trình, hướng dẫn, đảm bảo cho du khách khi du lịch về không gặp phiền phức. Chúng ta đã có bài học khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 ở Đà Nẵng từ cuối tháng 7 nhưng đến tận ngày 12-14.8 mới có các chuyến bay giải cứu du khách khỏi thành phố này.
Thuý Hà