Sau hơn bốn năm triển khai Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo", du lịch Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang điều chỉnh một số định hướng, chiến lược thu hút khách hàng để thực hiện tốt các yêu cầu Nghị quyết đề ra, phát triển du lịch bền vững.
Khách du lịch tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Duy Linh
Vào thời điểm năm 2016, Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã tỏ ra lạc hậu với thời cuộc. Một số chỉ tiêu đặt ra tại quy hoạch về số lượng khách, đóng góp của du lịch trong cơ cấu kinh tế đã sớm được thành phố đạt được trước thời hạn. Một số định hướng phát triển đặt ra tại quy hoạch cũng không còn phù hợp. Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo" được ban hành vào tháng 6-2016 đã điều chỉnh các mục tiêu, định hướng phát triển. Nổi bật trong đó là yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (tiền đề của du lịch thông minh hiện nay), đổi mới công tác quảng bá, tăng cường liên kết, tập trung phát triển một số loại hình: du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch hội nghị…; Thành ủy cũng phân định rõ vai trò của các sở, ngành địa phương trong phát triển du lịch. Trong các năm tiếp theo, du lịch Hà Nội liên tục đạt được những kỷ lục mới. Năm 2019, thành phố đón 29 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 103.807 tỷ đồng. Ðiều này cho thấy, Nghị quyết số 06-NQ/TU là một nghị quyết "đúng và trúng".
Tuy nhiên, đầu năm 2020, khi xảy ra đại dịch Covid-19, Hà Nội cũng như các địa phương khác trong nước ta phải dừng đón khách quốc tế. Ðến cuối tháng 7-2020, đại dịch tiếp tục "tấn công" thành phố, khiến du lịch cũng gặp "làn sóng" suy giảm lần hai. Cuối tháng 9-2020, Hà Nội và cả nước từng bước khống chế thành công dịch bệnh. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp du lịch tìm giải pháp phù hợp triển khai kích cầu du lịch Hà Nội lần hai. Việc tạo ra sản phẩm du lịch mới không chỉ dựa trên những điều kiện, tiềm năng sẵn có của Hà Nội, mà còn tìm ra xu hướng du lịch mới phù hợp tâm lý, sở thích của khách du lịch trong nước.
Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch, người dân có nhu cầu nghỉ dưỡng tại chỗ để bảo đảm sự an toàn và sức khỏe. Trong giai đoạn này, ngành du lịch cần tập trung vào những dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Trong đó, cần đẩy mạnh hoạt động khai thác những khu nghỉ dưỡng tắm khoáng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề…". Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Nguyễn Thu Hạnh đề xuất, với các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, Hà Nội có thể phát triển thêm dòng sản phẩm "du lịch cách ly". Sản phẩm này sẽ dành riêng cho những du khách thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội".
Trên thực tế, các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến đang thực hiện nhiều thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Nếu trước kia, khách du lịch đến Hà Nội thường được tham quan những giá trị văn hóa hiện hữu như: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò… thì nay, vẫn những sản phẩm đó, các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến xây dựng các sản phẩm mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, tạo ra những sản phẩm mới "kể" những câu chuyện để du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của di tích. Ðối với khu phố cổ Hà Nội, hiện tại, quận Hoàn Kiếm đang xúc tiến đề án phát triển kinh tế đêm. Các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đang nỗ lực đổi mới cách tiếp cận. Công ty Du lịch Tiên Phong triển khai tập trung khai thác các giá trị của 36 phố phường Hà Nội bằng cách đưa khách đến tham quan các đền, chùa trong khu phố cổ, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, trải nghiệm cuộc sống của người dân. Việc đổi mới cách tiếp cận sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc công ty chia sẻ: "Ðơn vị làm mới sản phẩm để tạo nhiều hứng thú cho du khách. Thí dụ về ẩm thực, chỉ với các đồ ăn sáng, nếu muốn khám phá cần mất… hai tháng mới thưởng thức hết tất cả các món ăn sáng ở đây".
Thông thường, các doanh nghiệp thường tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến Hà Nội hay khách Hà Nội đi các địa phương khác. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều đơn vị chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ ngay chính người Hà Nội. Bởi không phải ai cũng biết nhiều, hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn của Hà Nội. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết: "Nếu trước đây, các doanh nghiệp xây dựng một sản phẩm tour hoàn chỉnh, thì nay các doanh nghiệp có thể làm mới bằng cách phát triển từng phần của sản phẩm du lịch. Một khách sạn, một cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm có thể biến thành sản phẩm du lịch… Flamingo Redtours đã xây dựng sản phẩm du lịch tại chỗ, kết hợp với khách sạn năm sao tạo dòng sản phẩm phục vụ khách tham quan như: Giới thiệu lịch sử khu phố kiều Pháp, công trình nhà hát Lớn, khách sạn Sofitel Legend Metropole, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhà khách Chính phủ… kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn. Khách không thể đi xa, đã có những "resort" tại chỗ như: Nghỉ dưỡng, tham quan khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake, thưởng lãm cảnh quan hồ Tây". Ông Nguyễn Công Hoan cho biết thêm, các sản phẩm mới được nhiều người dân Thủ đô đón nhận.
Mùa thu đông là "mùa du lịch" của Hà Nội, nhất là trong tháng 10 này, thành phố có nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Những nỗ lực của ngành du lịch Thủ đô sẽ giúp du lịch tăng tốc trong những tháng cuối năm, tạo đà phát triển trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TU về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo".
Giang Nam