Dọc đường lên Mộc Châu (tỉnh Sơn La), hoa mận đã nở trắng như mây đan xen đá núi, cây rừng mang đến cảm giác mùa xuân sẽ về sớm hơn.
Dừng chân tại Bản Dọi, xã Tân Lập (huyện Mộc Châu), nơi đồng bào người Thái định cư, du khách luôn có cảm giác ấm áp, thân tình. Từ khi công trình thủy điện Sơn La được xây dựng, bên cạnh đồng bào người Thái trắng sinh sống lâu đời, nơi đây còn có Bản Dọi 2 là khu tái định cư của người Thái đen đến từ xã Ít Ong, huyện Mường La. Nét đẹp truyền thống đặc sắc, độc đáo của đồng bào người Thái được hòa quyện trong tình đoàn kết, sẻ chia để cùng bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Một góc Bản Dọi 2, khu tái định cư của đồng bào người Thái đen.
Giữ bản sắc trong hội nhập
Chiều chiều, đứng trên con dốc dẫn về Bản Dọi 2, sẽ thấy đàn bò hàng trăm con đeo lục lạc, bụng căng tròn sau một ngày kiếm ăn ở bản xa đủng đỉnh trở về. Con đường rộn rã chốc lát rồi lại lặng lẽ, bình yên. Từng nhóm phụ nữ Thái ngồi thêu khăn piêu trong ánh chiều, những mũi kim và chỉ len sắc mầu tươi vui nhấp nháy in trên nền khăn chàm thẫm. Hỏi ra, mọi nhà cơm nước đã xong xuôi, chỉ chờ đàn ông đi làm về thì các gia đình sẽ quây quần quanh bữa tối. Phụ nữ Thái đen thêu thùa mọi lúc, mọi nơi, kể cả đi nương rẫy, hễ về tới nhà, lo toan hết việc chăn nuôi, bếp núc, lại thêu. Ðặc biệt ở chỗ, họ hiếm khi thêu một mình. Mùa lạnh, người thì đi gom củi nhóm thành bếp lửa ven đường; người chặt vài cây mía, nhổ khóm sắn trong vườn chờ lát vùi trong than hồng; người đi giã muối chẩm chéo, bày chút rau thơm, quả rừng thái mỏng ăn kèm, lại thêm chuối chín, cam thơm trong vườn… Trước mắt du khách, đó luôn là bữa tiệc bình dị mà an vui. Các bà, các chị ngồi thêu, nói chuyện bản làng, mùa màng và trẻ nhỏ. Vừa thêu vừa ríu rít cười. Họ đều lấy chồng sớm và trong “gia tài” gùi về nhà chồng, không thể thiếu hàng trăm chiếc khăn piêu để tặng cho đầy đủ bà con, họ mạc bên chồng. Cô gái nào khéo léo, đảm đang, nhìn mũi thêu là biết. Cuộc đời người phụ nữ Thái đen, khăn piêu xuất hiện từ thơ bé. Ai sinh ra con gái, đã nghĩ ngay tới những chiếc khăn piêu nối nhau vượt núi, băng rừng. Có ba chi tiết hoa văn luôn được thêu trên khăn piêu là: tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó, tà leo và cút piêu gắn với ý nghĩa tâm linh, biểu trưng cho sự che chở của đấng tối cao với người đội khăn trên đầu, còn sai peng được ví như dây tình yêu đôi lứa nên sẽ bao quanh vuông thổ cẩm ở hai đầu khăn. Bây giờ, ở Bản Dọi 2, vì bận học tập ở trường, các bé gái không thêu thùa sớm nữa nên cả “gia tài” khăn piêu đành trông cậy vào bà và mẹ. Những vùng miền khác, tục mang khăn piêu về nhà chồng có thể còn giữ được hoặc không, riêng nơi đây, nét truyền thống ấy vẫn đậm đà. Hỏi những người phụ nữ: “Thêu một chiếc khăn mất bao lâu?”, họ nở nụ cười ấm áp: “Lâu lắm, mà cũng chẳng ai tính tháng, tính ngày”. Chúng tôi lại hỏi tiếp: “Khăn này bà con có bán không?”, những giọng nói rộn ràng như suối chảy: “Không bán đâu mà, nhưng vui thì sẽ tặng thôi…”. Chị Trúc Phùng, một du khách đến từ Gia Lai cho biết, câu chuyện về chiếc khăn piêu hay những biểu tượng khác của đồng bào người Thái đã tạo nên sức hút khiến chị quyết định vượt chặng đường xa xôi đến với miền Tây Bắc.
Nếu ở bản của người Thái đen khăn piêu làm nên nét độc đáo thì Bản Dọi 1, nơi đồng bào người Thái trắng định cư hàng trăm năm lại thu hút du khách bằng cảnh quan thơ mộng và dịch vụ lưu trú nhà dân (homestay) đầy tiềm năng. Bản cách trung tâm xã Tân Lập khoảng 3 km, có gần 300 hộ dân với hơn 1.300 nhân khẩu. Bao quanh Bản Dọi 1 là rừng núi, đồi chè, ruộng bậc thang. Toàn bản vẫn giữ được những mẫu nhà sàn truyền thống. Năm 2010, người dân bắt đầu phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Du khách đến đây sẽ sống cùng các hộ dân, hòa mình vào thiên nhiên trong lành, thưởng thức ẩm thực mang đậm hương vị núi rừng, như: gà đồi, cá nướng mắc khén, lợn bản, xôi ngũ sắc... và trải nghiệm hái chè, sao chè, lên nương làm rẫy... Trưởng Bản Dọi 1 Vì Văn An cho biết, hiện có sáu hộ làm du lịch cộng đồng với khu lưu trú là nhà sàn truyền thống rộng rãi, đủ cho hàng trăm du khách. Bên cạnh phát triển dịch vụ du lịch, Ban quản lý bản còn tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp kinh phí bê-tông hóa các tuyến đường nội bản, tạo thuận lợi cho du khách trải nghiệm dịch vụ. Gia đình ông Hà Văn Quyết là hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở bản. Trung bình mỗi năm, homestay nhà ông đón khoảng 500 lượt khách. Ðể bảo đảm chất lượng du lịch, các hộ làm homestay đã ký hợp đồng với một số đơn vị kinh doanh du lịch. Những đơn vị này cho người dân vay kinh phí tu sửa nhà sàn, xây dựng công trình phụ, tư vấn kinh nghiệm làm du lịch. Ông Quyết chia sẻ, lượng khách du lịch trong nước và nước ngoài đến đây khá đông, có đoàn khách từ 30 đến 50 người khiến nhà sàn kín chỗ nghỉ. Giá dịch vụ chỉ dao động khoảng 100.000 đồng người/đêm cho nên phù hợp nhiều đối tượng khách du lịch. Tuy nhiên, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm đáng kể. Dù vậy, các hộ dân không nản lòng, dành thời gian tập trung chăm sóc cảnh quan, tu sửa nhà cửa và đặc biệt, họ tham gia các lớp học ngoại ngữ, kỹ năng phát triển du lịch qua các hội nhóm và bằng hình thức trực tuyến. Trừ một số người cao tuổi, hầu hết người dân địa phương đều có thể sử dụng dịch vụ in-tơ-nét, vốn tiếng Anh đủ giao tiếp. Trong các cuộc trò chuyện, đến người cao tuổi ở bản cũng thường xuyên dùng ngôn ngữ tiếng Anh “chuyên ngành” như: trekking (đi bộ leo núi), booking (đặt trước), view (cảnh quan)... khiến du khách cảm nhận được phần nào tâm huyết, nỗ lực của bà con trong khao khát thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp, hội nhập hơn.
Hướng tới phát triển bền vững
Ðể duy trì và phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Dọi, huyện Mộc Châu đang tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ dân khai thác thêm về tiềm năng, trong đó tập trung chăm sóc, đa dạng hóa sản phẩm từ hơn 48 ha chè, hơn 10 ha cây ăn quả, các dịch vụ khám phá cho du khách. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðinh Thị Hường cho biết, tuy nguồn thu từ dịch vụ du lịch cộng đồng ở đây chưa thật sự cao, song người dân đã nhận thức tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống kết hợp phát triển kinh tế, du lịch, từng bước nâng cao đời sống mọi mặt. Một trong những tín hiệu đáng mừng cho người dân Bản Dọi nói riêng và Sơn La nói chung là sự xuất hiện của Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng (GROW) được Chính phủ Ô-xtrây-li-a tài trợ và do tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam thực hiện tại tỉnh Sơn La đang được triển khai hiệu quả. Theo đó, dự án có các can thiệp chính, gồm: Nâng cao quản lý và vận hành du lịch; hỗ trợ tài chính, gây dựng tài sản cho phụ nữ; xây dựng các nhóm và tổ chức cộng đồng nhằm quản lý và vận hành các hoạt động du lịch chất lượng; hỗ trợ truyền thông, quảng bá... Sau một năm triển khai tại hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ, có 334 người dân đã được cải thiện sinh kế (đạt 65% chỉ tiêu cuối dự án); 276 phụ nữ tăng thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng (đạt 86,2% chỉ tiêu cuối dự án); thành lập và đưa vào hoạt động 16 tổ nhóm dịch vụ, trong đó có 13 tổ nhóm do phụ nữ lãnh đạo; 17 điểm lưu trú tại nhà dân (gần 65% do phụ nữ làm chủ). Trong hành trình khám phá du lịch, chúng tôi được hai người phụ nữ xứ Mường về làm dâu Bản Dọi là Mùi Thị Quế, Mùi Thị Ðàn tận tình hướng dẫn. Các chị cho biết, trước đây, công việc này vốn do các già làng, trưởng bản, cán bộ địa phương đảm nhận; nhưng bây giờ, phụ nữ trong bản, kể cả các chị em ở miền xa về làm dâu đã đủ tự tin hội nhập.
Bên cạnh những điểm sáng, Bản Dọi vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết là tình trạng chênh lệch lợi ích cộng đồng giữa các hộ làm dịch vụ du lịch và hộ không làm. Ðiều này dẫn tới hiện tượng còn thờ ơ, chưa tạo được cảm tình, ấn tượng thật tốt cho du khách. Ðể khắc phục tình trạng này, các hộ làm du lịch đã chủ động chia sẻ lợi ích cộng đồng thông qua nhiều hình thức, như: ưu tiên thu mua nông sản và các nguyên liệu khác trong bản; lập thêm đội văn nghệ, ẩm thực, hướng dẫn khách đi điền dã với nhân lực tập trung ở các hộ không làm dịch vụ homestay; tăng cường hoạt động tập thể nhằm thắt chặt tình đoàn kết... Bên cạnh đó, hiện tượng tảo hôn vẫn còn là vấn đề nhức nhối. Ông Vì Văn Tỉnh, Phó trưởng bản, phụ trách Bản Dọi 2 cho biết, hầu hết trẻ em gái ở đây đều kết hôn sớm, nhiều em chưa học hết cấp 3 đã nghỉ học, lập gia đình và làm mẹ ở độ tuổi vị thành niên. Hiện tượng này tác động thiếu tích cực tới văn hóa, xã hội, giáo dục nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Ðể giải quyết vấn đề khó khăn trên, bên cạnh công tác tuyên truyền rộng rãi, liên tục tới nhân dân, các cán bộ địa phương đã tích cực nêu gương sáng. Thí dụ, gia đình ông Vì Văn Tỉnh là hộ đầu tiên ở Bản Dọi 2 có con học đại học. Tủ sách cộng đồng với nhiều đầu sách nâng cao kiến thức, phù hợp các độ tuổi đã được xây dựng tại Bản Dọi.
Trải qua một năm nhiều khó khăn, nhất là cảm giác âu lo, hoang mang khi nhà cửa, không gian sống đã được cải tạo quy củ, kỹ năng kinh doanh du lịch được đào tạo bài bản mà dịch bệnh lại bùng phát, nhưng niềm hy vọng và nỗ lực sẻ chia, vươn lên trong cộng đồng người Thái vẫn đầy bền bỉ, trách nhiệm. Ðó cũng là cơ sở để du khách đặt niềm tin vào con đường phát triển, hội nhập nhưng luôn giữ đủ đầy bản sắc của địa phương.