Khánh Hòa: Du lịch phải nghĩ khác, làm khác

Cập nhật:14/01/2021 15:27:53
Du lịch sau dịch Covid-19 chỉ còn trông chờ vào khách nội địa. Kể cả khi thị trường du lịch quốc tế phục hồi, du lịch cũng sẽ rất khác… Chính vì vậy, du lịch Khánh Hòa cần phải thay đổi về chất để hướng tới sự phát triển bền vững.
Từ chuyện đón khách nội địa
 
Dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch Khánh Hòa điêu đứng với mức suy giảm lượng khách, doanh thu du lịch lên đến 80% so với trước dịch. Cũng từ đây, du lịch xứ Trầm để lộ ra nhiều hạn chế cần sớm điều chỉnh, trong đó đáng quan tâm nhất là sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường khách quốc tế, mất dần sức hút với khách nội địa. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, Khánh Hòa đón 20.000 lượt khách lưu trú, trong khi cùng thời điểm, Quảng Ninh đón đến 194.000 lượt khách, Lâm Đồng đón hơn 70.000 lượt du khách, Đà Nẵng hơn 50.000 lượt khách… Những con số đó phần nào cho thấy Khánh Hòa đang ở đâu trong bàn cờ du lịch hậu Covid-19. Du lịch xứ Trầm Hương sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh ở thị trường nội địa thời gian tới.
 
 
Tour xe địa hình ATV của Công viên Kong Forest - một sản phẩm mới của du lịch Khánh Hòa.
 
Vì đâu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa mất đi vị thế ở thị trường nội địa? Hầu hết những người có kinh nghiệm làm du lịch ở Nha Trang cho rằng, Khánh Hòa đang kém hấp dẫn với du khách nội bởi dư âm của một thời quá chú trọng đến phát triển thị trường khách quốc tế; thiếu các sản phẩm mới để hấp dẫn du khách; sau dịch Covid-19, Khánh Hòa cũng có ít sự kiện để thu hút du khách. “Số lượng phòng của Nha Trang phát triển quá nhanh, quá nhiều so với số lượng sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Hầu hết sản phẩm loại hình du lịch mới tập trung ở Vinwonders là chính. Các sản phẩm du lịch mới của tỉnh, của các tập đoàn khác hầu như rất ít nên không có sức hút lớn với khách nội địa”, ông Nguyễn Thế Hùng - Tổng quản lý một khách sạn chia sẻ trên group Du lịch Nha Trang.
 
Phải thay đổi để thích nghi
 
Đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch đảo lộn; yếu tố an toàn được chú trọng hàng đầu… Chính vì vậy, theo các chuyên gia du lịch, ngay cả khi dịch được khống chế, khách quốc tế sẽ không còn đi tour ồ ạt như trước đây. Theo đó, muốn phát triển bền vững, du lịch Khánh Hòa cần phải nghĩ khác, làm khác. Về thị trường khách, du lịch phải lấy thị trường nội địa làm xương sống; khách quốc tế cũng cần hướng tới khách có mức chi tiêu cao. Sản phẩm du lịch cần đa dạng hơn. Biển đảo là thế mạnh của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nhưng muốn du lịch phát triển nhanh và bền vững không thể cứ dựa mãi vào vẻ đẹp thiên nhiên của biển đảo mà cần phải có sự xây dựng, phát triển các sản phẩm mới.
 
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương (từng là cố vấn về kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ) cho rằng, Khánh Hòa phải mở rộng không gian du lịch về phía nam và phía bắc để giảm thiểu sự quá tải hạ tầng ở Nha Trang. Trước mắt, tỉnh cần hạn chế việc xây dựng các công trình cao tầng trong thành phố để giữ được môi trường trong lành của phố biển. Về lâu dài, cần xây dựng các công trình văn hóa như nhà hát, bảo tàng… để tăng giá trị cho Nha Trang; nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm với các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm để thu hút du khách, có nguồn thu tốt hơn từ du lịch.
 
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, Khánh Hòa cần có nhiều hơn sản phẩm mới lạ kiểu như tour Zipline và tour xe địa hình ATV của Công viên Kong Forest (huyện Cam Lâm). Tour theo dấu chân bác sĩ A.Yersin cũng cần được nghiên cứu để khai thác trở lại, kết hợp với việc khám phá Hòn Bà; xây dựng các tour du lịch sinh thái ở huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh… để làm đa dạng sản phẩm du lịch. Khánh Hòa có đầm Nha Phu nên tính đến việc khôi phục rừng ngập mặn, kết hợp với nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong thời gian qua, lãnh đạo ngành Du lịch cũng đã rất muốn điều chỉnh thị trường khách du lịch theo hướng cân bằng hơn giữa khách quốc tế và khách nội địa, tuy nhiên có nhiều việc chưa được như ý. Trong năm 2021, sở sẽ xây dựng đề án về phát triển sản phẩm du lịch, thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu về cơ cấu và giải pháp phát triển bền vững thị trường khách du lịch của tỉnh... Trong thời gian tới, du lịch Khánh Hòa cần tái cơ cấu toàn diện, từ định hướng phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, thị trường khách cho đến các sản phẩm đặc thù. Để làm được điều này cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp, bởi trong hoạt động du lịch, các cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò quản lý, định hướng, còn việc “thi đấu” là của doanh nghiệp.
 
Xuân Thành
Nguồn: Báo Khánh Hòa