Lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Hội Lữ hành Hà Nội thực hiện sản phẩm du lịch mang tính kết nối các di sản của Thủ đô với các tỉnh, thành phố khác. Mô hình liên kết này đã tạo sức sống mới cho chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần không nhỏ vào hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch nội địa, hâm nóng thị trường du lịch của Hà Nội và các vùng lân cận.
Chương trình du lịch caravan Tây Bắc "Mùa ban nở" do Câu lạc bộ VGreen, Hội Lữ hành Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam tổ chức có nhiều hoạt động thú vị, trong đó du khách được trải nghiệm lễ hội của người tiền sử.
Khởi nguồn từ Thủ đô
Chuyến du lịch bằng hình thức caravan (tự lái xe) khởi hành từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đi các tỉnh Tây Bắc vào trung tuần tháng 3 vừa qua của Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Hội Lữ hành Hà Nội đã mang đến sự hứng khởi cho các đơn vị du lịch Hà Nội, khi thu hút được nhiều du khách.
Trước khi khởi hành, du khách được tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sau đó lên đường khám phá không gian văn hóa của các địa phương Tây Bắc: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình. Từ câu chuyện về các cổ vật có tuổi đời hàng nghìn năm tại bảo tàng, du khách được tìm hiểu câu chuyện về cuộc sống của người Việt cổ ở hang Xóm Trại (tỉnh Hòa Bình), câu chuyện lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ, hay chuyện về đồng bào các dân tộc thiểu số cùng đoàn kết xây dựng du lịch cộng đồng ở các bản làng trên núi cao… Trong sản phẩm du lịch mới, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, tham gia các trò chơi, sinh hoạt cùng bà con dân bản.
Là một trong những du khách tham gia trải nghiệm sản phẩm du lịch mới theo hình thức caravan, anh Nguyễn Hiền Hậu (tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, đây là sản phẩm du lịch hấp dẫn của Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, không chỉ nằm ở việc cho phép du khách tự lái xe trải nghiệm các cung đường, mà còn bởi giá trị văn hóa mang lại.
Còn ông Lưu Văn Thanh, một cựu chiến binh sinh sống tại Hà Nội đã rưng rưng khi tham gia trải nghiệm hoạt động làm dân công thồ đạn và lương thực ra tiền tuyến: “Tôi như được sống lại thời tuổi trẻ khi đi chiến trường. Chuyến du lịch lần này mang đến rất nhiều cảm xúc cho tôi”.
Đánh giá về sản phẩm du lịch này, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, hoạt động liên kết giữa hai đơn vị đã tạo nên giá trị mới cho sản phẩm du lịch, là sự hợp tác cần thiết để mang lại sức sống mới cho các di sản văn hóa, tăng tính hấp dẫn các sản phẩm du lịch và tạo lượng khách hai chiều cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Lan tỏa sản phẩm du lịch mới
Sau khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố đã khởi sắc trở lại. Sản phẩm du lịch theo hình thức caravan được xem là xu hướng mới trong điều kiện phát triển du lịch, nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Sau hành trình caravan khám phá Tây Bắc, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Hội Lữ hành Hà Nội tiếp tục triển khai sản phẩm này ở nhiều cung đường khác nhau.
Ngày 3 và 4-4 vừa qua, Công ty Du lịch VietFoot và các thành viên của Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen đã thực hiện sản phẩm du lịch mới “Khai phá đất Sơn Nam” tại Nam Định - nơi vốn được coi là “vùng trũng” của du lịch Việt Nam. Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Phạm Duy Nghĩa cho biết, đây là lần đầu tiên các đơn vị lữ hành tổ chức một đoàn du lịch lớn khám phá du lịch Nam Định.
“Chúng tôi muốn tạo sản phẩm du lịch mới tại những điểm đến trước kia du khách ít trải nghiệm. Nam Định là mảnh đất có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng lại “ngủ quên” khá lâu, vì thế, chúng tôi muốn kết nối khách thường xuyên giữa Hà Nội và Nam Định, tạo thêm điểm đến mới cho du khách Thủ đô vào những ngày cuối tuần”, ông Phạm Duy Nghĩa nói.
Sản phẩm du lịch caravan với sự kết nối điểm đến từ Hà Nội đã mang lại hiệu quả cho du lịch Thủ đô, tạo thêm khí thế mới cho các đơn vị lữ hành, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen, Giám đốc Công ty Du lịch Pattours Vũ Giang Biên cho biết, các đơn vị lữ hành đã triển khai sản phẩm mới tại các tuyến, như: Hà Nội - Tây Bắc - Đông Bắc, Hà Nội - Nam Định, tới đây sẽ là sản phẩm “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất Tổ” khám phá vùng đất Phú Thọ…
Thị trường du lịch Hà Nội có sự khởi sắc hơn nhờ sự chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố khác. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, các sản phẩm du lịch văn hóa với cung đường khám phá mới khởi hành từ Hà Nội đã lan tỏa tới nhiều vùng du lịch trong nước, tạo hiệu ứng rõ nét cho hoạt động kích cầu du lịch, nhằm sớm khôi phục thị trường du lịch của Hà Nội cũng như cả nước.
Hoàng Lân