Homestay là hình thức du lịch dựa vào cộng đồng. Khách du lịch sẽ cùng ăn, cùng ngủ, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân bản địa. Nếu đến đây vào dịp lễ hội, bạn sẽ tham gia vào việc chuẩn bị, vui chơi, trải nghiệm các hoạt động văn hóa cùng với người dân địa phương.
Ở một khía cạnh khác, homestay là cách thức hoạt động kinh doanh mà cộng đồng dân cư sẽ là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch; từ việc lưu trú, ăn uống đến việc hướng dẫn hay giúp khách du lịch tìm hiểu đời sống, văn hóa và tinh thần của người dân địa phương.
Với việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay), những năm qua đã góp phần thu hút khách đến nhiều hơn với Kon Plông. Các homestay gắn liền cảnh quan tự nhiên với núi rừng hùng vĩ, hồ nước trong xanh, không khí trong lành, tách rời thành phố. Người dân địa phương, chủ homestay giữ được bản sắc văn hóa, thật thà, chất phác, thân thiện, nhiệt tình, tạo cho du khách có sự trải nghiệm cùng người dân địa phương, giúp loại hình homestay ngày càng có điều kiện phát triển.
Mặt khác, với giá cả dịch vụ hợp lý nên homestay đã tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Ý thức của người dân trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được nâng cao. Ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng cũng được cải thiện nhiều. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích thú với loại hình du lịch homestay tại đây, vừa trải nghiệm, vừa sinh hoạt, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn gỗ truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, bà Y Lim - Nghệ nhân Ưu tú, cho biết: Tháng 11/2018, UBND huyện Kon Plông hỗ trợ 3 hộ dân của Làng du lịch cộng đồng Kon Pring 3 tỷ đồng (1 tỷ đồng/hộ) xây dựng 3 nhà sàn truyền thống theo hình thức homestay để đón khách lưu trú và trưng bày giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Xơ Đăng. Nhiều du khách thập phương, chủ yếu là du khách nước ngoài đã đến lưu trú tại đây.
Quang cảnh hữu tình, gần gũi với thiên nhiên của Homestay Sóc’s house Măng Đen. Ảnh: Q.Đ
“Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi đón khoảng 5 đoàn khách, mỗi đoàn 10 - 20 người. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu được từ 12-15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các nghệ nhân đánh cồng chiêng, múa xoang trong làng cũng có việc làm thêm để cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều gia đình trong làng cũng mở quán bán quà lưu niệm, đồ ăn mang đậm nét truyền thống văn hóa của người dân tộc tại chỗ, vì thế du khách rất thích” - bà Y Lim chia sẻ.
Ông Châu Văn Lâm - Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen bộc bạch: “Nhờ chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên; đến nay, không chỉ đời sống kinh tế của bà con dân tộc thiểu số ngày càng phát triển mà các nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa của người Xơ Đăng cũng được bảo tồn, phát huy”.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lượng khách du lịch đến Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen tăng dần, trung bình mỗi tháng có vài ngàn lượt khách. Các homestay, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện Kon Plông triển khai nhiều chương trình kích cầu, giảm giá dịch vụ để thu hút khách du lịch.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có 39 cơ sở lưu trú với 462 phòng ở, trong đó loại hình lưu trú hommestay chiếm trên 60% cơ sở. Thời gian qua, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ homestay, đặc biệt xem mô hình này là điểm nhấn cho phát triển du lịch Kon Plông.
Trong thời gian tới, huyện Kon Plông sẽ tiến hành rà soát quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển loại hình du lịch homestay trong dài hạn tại địa phương. Trong đó, thành lập mô hình quản lý các làng du lịch cộng đồng như ban quản lý, xây dựng quy chế hoạt động, quy định về thu phí và sử dụng nguồn thu; xây dựng mô hình mẫu du lịch cộng đồng kết hợp homestay, thiết lập bộ quy chuẩn về du lịch cộng đồng kết hợp homestay về ăn, ở, vệ sinh, tham quan...
Mặt khác, UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các cơ quan xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch, tăng cường quảng bá hình ảnh các sản phẩm du lịch. Tổ chức, hướng dẫn cho từng hộ gia đình thực hiện theo quy chuẩn từng hạng mục: phòng ngủ, nhà hàng, khu vệ sinh; tổ chức cho các hộ gia đình tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng kết hợp homestay ở những nơi đã thành công để áp dụng. Tổ chức quảng bá bằng nhiều kênh thông tin và thực hiện các chuyến Famtrip khảo sát cho báo chí, các đơn vị lữ hành tìm hiểu sản phẩm du lịch tại Kon Plông.
Bên cạnh đó, huyện Kon Plông quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cũng như kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các hộ gia đình làm dịch vụ homestay. Trong việc phát triển dịch vụ homestay, có sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” gồm nhà dân, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Trong đó, nhà nước giữ vai trò trung gian, kết nối giữa các hộ gia đình cung ứng dịch vụ homestay với các công ty du lịch. Đồng thời, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa 3 bên để tăng cường mối liên kết, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận giữa hộ cung ứng dịch vụ du lịch với công ty du lịch; phối hợp chặt chẽ với công ty du lịch nhằm tăng cường sự hỗ trợ cho hoạt động tổ chức du lịch của hộ gia đình nói riêng và ngành du lịch địa phương nói chung; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ như hàng lưu niệm, ẩm thực, biểu diễn văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang cùng các dịch vụ trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, văn hoá, tôn giáo...
Quang Định