Phú Yên: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật:19/05/2021 22:38:00
Thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Phú Yên đã có nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa (DSVH) gắn với phát triển du lịch, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
 
Du khách tham quan Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh quần thể Hòn Yến, huyện Tuy An.
 
Sau đây là nhìn nhận của đại diện ngành Văn hóa và một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
 
Quyền Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Hồng Thái: Nhiều di sản văn hóa được quốc tế đánh giá cao
 
Thời gian qua, Phú Yên đã tập trung triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về văn hóa. Nhờ đó, các giá trị DSVH được giữ gìn và phát huy; nhiều DSVH vật thể và phi vật thể, di sản tự nhiên còn nguyên giá trị, được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế đánh giá cao.
 
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 94 di tích được xếp hạng. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có trung bình 7 di tích được xếp hạng các loại, trong đó Tháp Nhạn và Gành Đá Đĩa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Một số di tích đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch, hàng năm thu hút nhiều khách đến tham quan như: Gành Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn; 185 DSVH phi vật thể được kiểm kê; 4 di sản được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên, Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên, Nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na huyện Đồng Xuân, Lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê Phú Yên. Đặc biệt, di sản Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên cùng với Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Sở VHTTDL đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, khảo sát, đưa những DSVH phi vật thể đặc trưng của từng địa phương vào danh mục để tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, đề xuất đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia sau này, nhằm bảo tồn và phát huy những DSVH phi vật thể đó. Đồng thời thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, nhằm góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Bí thư Huyện ủy Tuy An Phạm Văn Bảy: Con đường phát triển du lịch bền vững
 
Hiện nay, tại các địa phương trên địa bàn Tuy An còn lưu giữ nhiều DSVH vật thể và DSVH phi vật thể, trong đó nổi bật là các lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Hội đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan, Lễ hội chùa Từ Quang, Lễ hội đền Lê Thành Phương, Lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển... và nhiều lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Theo thời gian, các lễ hội này đã ăn sâu, bén rễ và trở thành nét sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về; một số lễ hội gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trở thành điểm đến tham quan du lịch, nơi giáo dục truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của cộng đồng.
 
Để lễ hội truyền thống phát triển song hành cùng phát triển du lịch cần nâng cao chất lượng phần lễ nhằm đảm bảo giá trị cốt lõi của lễ hội truyền thống và cộng đồng - người làm chủ lễ hội; trong phần hội cần kết hợp việc tổ chức trò chơi với nhiều nhu cầu cụ thể để thu hút khách du lịch và người tham quan. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội truyền thống kết hợp với các hoạt động văn hóa, thể thao với quảng bá du lịch, giới thiệu về mảnh đất, con người Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung là điều cần thiết.
 
Việc bảo tồn, gìn giữ lễ hội truyền thống phải đi đôi với việc phát huy giá trị di tích lịch sử, danh thắng. Đây là con đường phát triển du lịch mang tính bền vững nhất, vừa có sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng, vừa phù hợp với truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn", góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh huyện Tây Hòa Ngô Xuân Vinh: Đáp ứng nhu cầu của người dân
 
Trên địa bàn huyện Tây Hòa có 9 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và 28 công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên (di tích). Nhìn chung, thông qua các hoạt động bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch đã đem lại những kết quả tích cực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, tìm hiểu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh; tạo nguồn thu cho người dân trên địa bàn huyện.
 
Như vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn huyện gắn với phát triển du lịch vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ có tính lâu dài, góp phần nâng cao ý thức về bản sắc dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa bền vững, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
 
Thời gian tới, Tây Hòa tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể các cấp trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời thực hiện hiệu quả, nghiêm túc các chương trình hành động về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với những nét đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của địa phương...
 
Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Sông Hinh Nguyễn Như Đông: Góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về cội nguồn, bản sắc dân tộc
 
Qua hơn 5 năm thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh và đề án Xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng buôn Lê Diêm giai đoạn 2016-2020, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức trách nhiệm và đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giátrịvăn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về nguồn cội và bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
 
Cụ thể, huyện tổ chức định kỳ liên hoan VHTTDL các dân tộc; sưu tầm một số hiện vật như: các loại nhạc cụ, trường ca, truyện cổ tích, công cụ lao động, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số; 17/36 buôn đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị 1 bộ arap, trống đôi, cồng ba, chiêng năm; thành lập CLB hát then của người Tày, CLB dân ca người Ê Đê... Về du lịch, huyện chú trọng phát triển du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng buôn Lê Diêm. Đồng thời chủ động khai thác và kết nối một số tour du lịch, liên kết với các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch đến Sông Hinh. Ước tính hàng năm có khoảng 20.000 lượt khách đến Sông Hinh tham quan, du lịch.
 
Trước mắt, huyện sẽ đầu tư xây dựng, sửa chữa tuyến đường đến di tích Căn cứ cách mạng huyện Sông Hinh trong kháng chiến chống Mỹ tại xã Sông Hinh; xây dựng nhà sàn truyền thống (nhà dài) của người Ê Đê và sân tổ chức lễ hội. Đồng thời phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với biểu diễn nghệ thuật dân gian có sự tham gia của người dân nhằm tạo ra sản phẩm du lịch và tăng thu nhập...
 
Thiên Lý (thực hiện)
Nguồn: Báo Phú Yên