Tỉnh Nam Định có nhiều làng nghề truyền thống gắn với lịch sử hình thành, phát triển của mỗi vùng quê. Các sản phẩm làng nghề là sự kết tinh, giao thoa giữa giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; mang dấu ấn, bản sắc văn hóa riêng biệt của từng địa phương. Cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa nghề là những lợi thế có sức thu hút đặc biệt với thị trường khách du lịch trải nghiệm.
Du khách trải nghiệm kỹ thuật chạm trổ tại làng nghề mộc Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên) (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, tập trung tại các vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa. Tiêu biểu như các làng nghề: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản); cây cảnh Vị Khê, múa rối nước Bàn Thạch, làm khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất, dệt vải Cự Trữ (Trực Ninh); làm muối Văn Lý, làm kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); nước nắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy)… Các làng nghề truyền thống hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa vật thể (sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề) và văn hóa phi vật thể (kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng). Dựa vào yếu tố tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, các làng nghề đã kết nối, hình thành được các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách. Đó là các tour du lịch sinh thái cộng đồng với những hoạt động thú vị: Trải nghiệm làm diêm dân trên cánh đồng muối Văn Lý, kết hợp chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhà thờ đổ Hải Lý, thưởng thức đặc sản vùng quê biển (Hải Hậu); tham quan làng nghề làm nước mắm Sa Châu, trải nghiệm Homestay (nghỉ tại nhà dân), tìm hiểu văn hóa bản địa với các tuyến du lịch điền dã mà điểm đến là Bảo tàng Đồng quê, Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy)… Những du khách đam mê cây cối có thể đắm mình trong không gian xanh của những vườn cây cảnh, cây thế ở làng hoa, cây cảnh Vị Khê (Nam Trực), trò chuyện, nghe các nghệ nhân làng nghề say sưa chia sẻ về những tác phẩm của mình và ước mơ về một “công trình” thế kỷ. Đặt chân đến vùng đất cổ Ý Yên, du khách được hòa mình vào không gian làng nghề chạm khắc gỗ thủ công mỹ nghệ với những tiếng đục, chạm, cưa, ngắm những chiếc sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối chạm khắc tinh xảo thể hiện sự tài hoa, đôi bàn tay khéo léo của những người thợ mộc với tinh thần cần cù, sáng tạo, bền bỉ lưu giữ tinh hoa văn hóa làng nghề của cha ông để lại…
Cùng với tham quan, trải nghiệm di sản, du khách còn được tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của làng nghề truyền thống. Mỗi làng đều có truyền thuyết, lưu giữ được các thư tịch cổ kể về những vị tổ nghề. Như ở làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) hơn 700 năm trước 6 vị tổ sư ở Núi Tiên, thuộc Quần thể văn hóa Tiên Sơn (nay là phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đến truyền nghề rèn cho 15 cụ tổ các dòng họ: Đoàn, Trần, Vũ, Đỗ, Ngô… ở quê hương. Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn Vân Chàng đã rèn gươm, giáo, mã tấu, dao găm phục vụ quân đội. Đất nước độc lập bước vào kiến thiết phát triển kinh tế, làng rèn ở thị trấn Nam Giang tập trung sản xuất tổng hợp các mặt hàng như: phụ tùng xe đạp, vật dụng nhà bếp, dụng cụ nông nghiệp... Làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) có nghề múa rối nước tuổi đời hàng trăm năm. Các thế hệ nghệ nhân quê hương đã làm ra nhiều con rối với hàng chục tích trò cổ đặc sắc. Ở huyện Ý Yên, nghề mộc La Xuyên, xã Yên Ninh hình thành cách đây gần 10 thế kỷ, do tướng quân Ninh Hữu Hưng về lập ấp, truyền nghề tại địa phương. Ông là vị tổ nghề đầu tiên và là người thợ tài hoa, nổi tiếng đã được hai triều đại Đinh, Lê trọng dụng. Nghề đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm cũng có lịch sử hơn 900 năm, do Thiền sư Nguyễn Minh Không khi đi qua làng thấy phong cảnh hữu tình, dân cư thuần phác, chất đất thích hợp để làm khuôn đúc nên ông đã ở lại truyền nghề đúc cho người dân địa phương. Nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến có tuổi đời hơn 600 năm, do hai ông tổ Ngô Đức Dũng, Ngô Ân Ba - quan tri huyện và đô đầu huyện triều Đinh - Tiền Lê sau khi từ quan đã về làng truyền dạy cho dân làng.
Văn hóa truyền thống làng nghề ở tỉnh ta gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư, thể hiện qua các dịp lễ hội làng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ các vị tổ nghề. Vì vậy, việc hình thành sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với làng nghề trong không gian lễ hội và di tích lịch sử - văn hóa là điểm nhấn hấp dẫn trong bản đồ du lịch vùng đất trấn Sơn Nam Hạ xưa. Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân mới, du khách về Nam Định dự lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) có thể kết hợp tham quan làng nghề hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực), tham dự lễ hội làng truyền thống tổ chức từ 12 đến 16 tháng Giêng tại Đình thờ Thành hoàng làng và ông tổ nghề Tô Trung Tự. Vào tháng 3 âm lịch, thời điểm Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) mở hội, du khách không chỉ tham gia lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn kết hợp thăm làng nghề mây tre đan xã Vĩnh Hào, hòa mình vào không gian lễ hội làng tổ chức cùng thời điểm; trong đó đặc sắc nhất là cuộc thi tay nghề chẻ tre, đan cót và các sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đặc trưng văn hóa làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ.
Với những giá trị to lớn của các làng nghề truyền thống, việc phát triển các sản phẩm du lịch kết nối giữa làng nghề với làng nghề, làng nghề với lễ hội và di tích, danh thắng ở tỉnh ta thời gian qua đã có những tín hiệu tích cực. Du lịch làng nghề Nam Định bước đầu đã được ngành VH, TT và DL tỉnh, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy, phát huy giá trị nhưng vẫn còn ở mức thấp. Để hình thành các tour, tuyến du lịch liên kết bền vững cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh. Các giải pháp trọng tâm để khai thác giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch được ngành VH, TT và DL đưa ra gồm: Chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, trách nhiệm đối với nghề cho người dân. Tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề, tạo môi trường du lịch thân thiện, cởi mở, gần gũi giữa người dân với du khách. Hình thành các dịch vụ ăn uống, lưu trú, tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, giúp du khách có cơ hội giao lưu, trải nghiệm thực tế; thiết kế, chọn lựa các sản phẩm phù hợp làm quà lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch về các làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện truyền thông như: phóng sự phát thanh, truyền hình, trên các webside du lịch, các trang mạng xã hội; thông qua các ấn phẩm tờ rơi, tập gấp…; tổ chức các đoàn khảo sát với các chuyên gia đến các làng nghề truyền thống để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và hình thành các tuyến, điểm du lịch có sức hấp dẫn./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng