Là 1 trong 4 vùng Mường nổi tiếng (Bi, Vang, Thàng, Động), Nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình luôn tự hào về bản sắc văn hoá Mường Thàng với những giá trị bền vững được lưu giữ và phát huy trong cuộc sống hôm nay.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) thu hút du khách nhờ lưu giữ vẻ đẹp giá trị văn hoá truyền thống
Những nếp nhà sàn Mường nguyên bản chính là nét nổi bật, mang sức hút đặc biệt đối với du khách, nhất là người nước ngoài khi đến với bản Mường xóm Mỗ, xã Bình Thanh. Nơi đây còn là điểm đến trải nghiệm thú vị về cuộc sống người Mường bản địa, tìm hiểu phong tục tập quán, nếp sinh hoạt và du khách có thể tham gia các lễ hội truyền thống, hoạt động lao động, sản xuất như đan lát, săn bắn, làm ruộng… cùng người dân. Cũng vẫn nét đặc trưng, độc đáo của nhà sàn Mường, ở nhiều xóm, bản tiêu biểu như xóm Rớm Khánh - xã Thạch Yên; xóm Cạn, xóm Mừng - xã Hợp Phong, xóm Tiện - xã Thung Nai vẫn bảo tồn kiến trúc nhà sàn cổ.
Mường Thàng còn là điểm đến của các lễ hội văn hoá truyền thống, như lễ mở cửa đền Bờ - xã Thung Nai diễn ra từ ngày mồng 2 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch; lễ hội chùa Khánh - xã Thạch Yên diễn ra vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch; lễ hội rước nước đền Thượng Bồng Lai - thị trấn Cao Phong diễn ra vào ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, huyện đã phục dựng lại lễ hội Khai mùa Mường Thàng diễn ra vào mồng 6 tháng Giêng tại xã Dũng Phong. Mỗi lần tổ chức, lễ hội lớn của cả vùng Mường thu hút đông đảo du khách thập phương cùng hướng về cội nguồn.
Từng có thời điểm, trong dòng chảy nhịp sống hiện đại, những giá trị thuộc về bản sắc văn hoá truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Những năm qua, cùng với việc triển khai Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phong trào thi đua "Huyện Cao Phong chung sức xây dựng nông thôn mới”…, cán bộ, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã nỗ lực bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hoá vật thể, phi vật thể. Toàn huyện lưu giữ được khoảng 1.600 chiếc chiêng Mường, trong đó có 400 chiếc chiêng cổ. Thông qua tuyên truyền, vận động, toàn dân tích cực hưởng ứng, tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá. Huyện cũng mở được một số lớp truyền dạy hát dân ca Mường, nghệ thuật trình tấu chiêng Mường cho lớp trẻ. Trong dịp gần đây, câu lạc bộ mo Mường Thàng chính thức ra mắt, quy tụ 35 nghệ nhân và những người yêu thích, quan tâm giữ gìn, bảo tồn, phát triển văn hoá mo Mường.
Theo đồng chí Phạm Ngọc Nhất, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đã góp phần tạo sức hút để phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người Mường Thàng thân thiện, mến khách. Huyện đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích Nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá gắn với phát triển du lịch nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Mở các lớp tập huấn về du lịch và tạo điều kiện để hộ dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, ngoài mô hình du lịch cộng đồng xóm Mỗ (xã Bình Thanh), trên địa bàn có các xóm: Tiện (xã Thung Nai); Cạn, Mừng (xã Hợp Phong); Rớm Khánh (xã Thạch Yên) đang định hướng phát triển loại hình du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng.
Bùi Minh