Thừa Thiên Huế: Xây dựng Lăng Cô thành trung tâm dịch vụ - du lịch năng động

Cập nhật:21/03/2022 09:01:28
Cách TP. Huế khoảng 60km về phía nam, nằm dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ, thị trấn Lăng Cô có bãi biển tuyệt vời và vịnh Lăng Cô là vịnh đẹp thế giới. Nơi đây có Quốc lộ 1 A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Với những lợi thế đó, dịch vụ - du lịch được xem là hoạt động kinh tế nổi bật của thị trấn Lăng Cô.
 
Du khách hào hứng với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
 
Phát huy thế mạnh này, Đảng bộ thị trấn Lăng Cô đề ra các chương trình hành động khẳng định quyết tâm xây dựng và phát triển Lăng Cô trở thành đô thị dịch vụ - du lịch năng động, có chất lượng và bền vững, là điểm đến của quốc gia. Đảng ủy thị trấn đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chương trình trọng điểm phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn phát huy danh hiệu “Lăng Cô - Vịnh biển đẹp thế giới”.
 
Ông Trần Đình Vui, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính và chỉnh trang đô thị gắn với hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn, phát triển dịch vụ - du lịch là chương trình trọng điểm của địa phương trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô, thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, chi bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong đền bù giải phóng mặt bằng, ổn định tái định cư; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi ngành nghề, giúp đẩy nhanh các dự án đầu tư dịch vụ, du lịch trên địa bàn. Qua đó, góp phần quảng bá du lịch Lăng Cô tạo sức hấp dẫn và thu hút du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
 
Hoạt động dịch vụ - du lịch trên địa bàn thị trấn Lăng Cô có chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh du lịch Lăng Cô. Các cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Trần Đinh Vui cho rằng, tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế của Lăng Cô ngày càng tăng cao, đến năm 2022, chiếm trên 80% trong cơ cấu kinh tế. Dịch vụ - du lịch ngày càng được khẳng định và đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Cơ sở vật chất ngành dịch vụ - du lịch ở Lăng Cô ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng. Nhiều loại hình dịch vụ - du lịch mới, đa dạng như nghỉ dưỡng, sinh thái biển được phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư. Đáng kể, trên địa bàn thị trấn Lăng Cô hiện có 5 khu Resort cao cấp đạt tiêu chuẩn từ 2 sao đến 3 sao. Dịch vụ thương mại có nhiều khởi sắc, chất lượng các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng được nâng cao. Các loại hình dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính - viễn thông, giáo dục, y tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển.
 
Bà Phạm Thị Thu Vân, ở tổ dân phố An Tân Đông (thị trấn Lăng Cô) nói rằng, nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển phát triển đã mở ra cơ hội cho bà con chúng tôi mở rộng kinh doanh dịch vụ ăn uống, tiêu thụ các loại đặc sản thủy hải sản, giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình...
 
Theo ông Trần Đình Vui, địa phương phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực chính thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao; phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái. Theo đó, vận động Nhân dân cùng các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ ngày càng phát triển quy mô tầm khu vực và quốc tế. Tổ chức khai thác tốt các loại hình du lịch hiện có, gắn phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái động thực vật. Đồng thời, đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy danh hiệu Lăng Cô - Vịnh đẹp thế giới.
 
Ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1774/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đưa Lăng Cô - Cảnh Dương phát triển xứng tầm một điểm đến mang tầm cỡ quốc tế, với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa - thể thao, cảng quốc tế, hình thành được thương hiệu lớn, nâng cao sức cạnh tranh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bài, ảnh: Bá Trí
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online