Huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn, nhiều hoạt động phong phú để thu hút du khách; đầu tư quy mô hạ tầng các bãi tắm để đón mùa du lịch biển.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ được đưa đến bãi tắm biển (Liên hoan văn nghệ giai điệu tự hào được tổ chức tại âu thuyền Phú Hải)
Tâm thế của người dân
Cái nắng nóng gay gắt được gió từ biển và bóng mát của rừng phi lao “hạ nhiệt”. Những thực khách của quán ăn trên bãi biển tỏ vẻ thích thú thả mình trong không gian phóng khoáng, mát mẻ, yên bình, khi có thể chạm tay hoặc tựa vào gốc phi lao trầm mặc.
Ông Hoàng Đặng Trúc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vinh An - trong tâm thế một người dân địa phương, đầy phấn khởi khi nói về những tuyến đường bê tông dẫn ra bãi biển, đang được thi công đến giai đoạn sắp hoàn thiện. Một đời gắn bó với Vinh An, ông Trúc và người dân trong xã vô cùng vui mừng, tự tin về việc biển quê hương sẽ có nhiều người tìm đến, bắt đầu từ “luồng gió mới” - là 4 tuyến đường giao thông dài gần 1 nghìn mét có vỉa hè lát gạch, hai bên trồng cây xanh; điện chiếu sáng “phủ” các tuyến.
Rừng phi lao ven biển hơn 50 năm tuổi, tự tay người Vinh An trồng, bây giờ là rừng phòng hộ, như thể là một phần đời của họ, nên không chỉ những người cao niên, mà lớp trẻ sau này cũng tiếp nối tình cảm của ông cha, hết sức trân trọng, giữ gìn. Nay hạ tầng bãi tắm được đầu tư, đổi thay nhiều như thế, cùng với chủ trương, định hướng của chính quyền các cấp về phát triển dịch vụ du lịch biển, người dân Vinh An tự hào vì họ góp tay “đưa” rừng phi lao cùng đón khách, để thêm phần hấp dẫn, khi du khách đến tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon kết hợp cắm trại, dã ngoại. “Mùa du lịch biển này và những mùa du lịch biển về sau, chắc chắn sẽ nhiều “màu sắc” đối với du khách đến với biển Vinh An; nhiều niềm vui đối với người dân địa phương khi biển quê hương khởi sắc hơn, mang lại sự phát triển về kinh tế xã hội” - ông Trúc bày tỏ.
Cùng trên tâm thế đó, người dân Phú Vang cùng chung tay với chính quyền địa phương quảng bá biển quê hương bằng những hành động thiết thực, để đón những mùa du lịch biển trở lại sau thời gian dài dịch bệnh. Những “lời mời” bạn bè kèm hình ảnh bắt mắt về các công trình mới mang tính chất “điểm nhấn” như cổng chào tạo cảnh quan thân thiện với môi trường; hệ thống lu (bên ngoài lu được viết, vẽ trang trí đẹp mắt, ý nghĩa) trồng hoa trên bãi biển ở Phú Thuận. Những thiết kế các mô hình chài lưới, gắn liền đời sống, sinh hoạt, sản xuất của địa phương đặt trên bãi biển, cũng sẽ là điểm để du khách thích thú check in ở bãi biển Phú Diên… chắc chắn có sự lan tỏa, mời gọi, khơi gợi hứng thú để du khách tìm đến.
Theo ông Lê Thái Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Vang: Tới đây các địa phương mở các lớp tập huấn kỹ năng công tác dịch vụ du lịch, kỹ năng kinh doanh của các nhà hàng, của những người bán hàng, phục vụ khách, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ du lịch biển. Bởi vì, tâm thế của người dân và chính quyền các cấp huyện Phú Vang, xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện mến khách, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước, chính là sức hấp dẫn bền vững khiến du khách đến rồi sẽ quay trở lại.
Đã đảm bảo an toàn - tạo “màu sắc” phong phú
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo huyện chỉ đạo phải tập trung chuẩn bị các điều kiện, đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch, an toàn cho du khách. Theo đó trước hết Phòng văn hóa thông tin tham mưu cho UBND huyện kiểm tra hoạt động dịch vụ du lịch, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, công tác quản lý Nhà nước ở các bãi tắm biển, đầm phá. Vậy nên trước thời điểm mở cửa biển, các địa phương (có bãi tắm biển) đã kiện toàn, thành lập Ban quản lý (BQL) bãi tắm; xây dựng ban hành, tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của BQL bãi tắm. Bảng nội quy bãi tắm được đặt ở vị trí dễ quan sát.
Công tác cứu hộ cứu nạn, phòng, chống thương tích cũng đã được đảm bảo. Các bãi tắm biển bố trí đặt chòi canh cứu hộ tắm biển ở vị trí thích hợp, bao quát được bãi tắm biển. Các dải phao giới hạn khu vực an toàn đã được bố trí. Những nơi, vùng nước nguy hiểm đã được đặt biển báo. Hệ thống phát thanh, loa cầm tay của BQL bãi tắm, áo phao và các vật dụng cần thiết khác đều đã được trang bị. Cùng với lực lượng các đội cứu hộ đảm bảo công tác an toàn trong phòng, chống đuối nước tại các địa phương, mới đây huyện đã mở lớp tập huấn cứu hộ, cứu nạn, cứu đuối và đã cấp chứng chỉ cho 20 học viên mới, tập trung cho 4 bãi tắm trên địa bàn.
Để tăng thêm sự phong phú đa dạng, thu hút khách, các hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ được đưa đến các bãi tắm biển. Mới đây, liên hoan văn nghệ quần chúng “Giai điệu tự hào” được huyện tổ chức tại âu thuyền Phú Hải. Đây là địa phương đang xây dựng đề án phát triển du lịch trên cơ sở âu thuyền.
Hiện, Phú Vang đang nghiên cứu xây dựng các quầy hàng lưu niệm, phục vụ nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là khách ngoại tỉnh, ngoại quốc. Nghiên cứu để tổ chức hình thức tạo điểm nhấn (thời gian trước, điểm nhấn là festival Thận An biển gọi), điểm nhấn du lịch biển, tập trung tại Vinh Thanh, để có sự kết hợp với các khu nghỉ dưỡng phức hợp và công viên biển đang được các tập đoàn lớn đầu tư xây dựng tại Vinh Xuân, Vinh Thanh. “Đồng thời tới đây, Phòng văn hóa thông tin sẽ tham mưu UBND huyện mời các doanh nghiệp du lịch, các ban ngành chuyên môn để cùng nghiên cứu xây dựng các tua tuyến trên địa bàn” - ông Lê Thái Tuấn cho biết.
Lô quầy nhà hàng trên các bãi tắm biển được đầu tư xây mới toàn bộ. Hạ tầng các bãi tắm được đầu tư quy mô, hiện đang tiếp tục thi công với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Lãnh đạo huyện Phú Vang thực hiện nhiều chuyến kiểm tra, đôn đốc gấp rút, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh