Vĩnh Phúc: Nâng cao văn hóa ứng xử trong hoạt động du lịch

Cập nhật:03/07/2022 23:08:59
Sau 5 năm triển khai, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VHTTDL ban hành, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhận thức, ý thức của đa số người dân đã được nâng lên rõ rệt. Qua đó, xây dựng tính chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng của dịch vụ du lịch, tạo động lực thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển bền vững.
 
Bỏ rác đúng nơi quy định là cách hành xử văn minh mỗi khi đi du lịch. (Ảnh chụp tại Khu du lịch Tam Đảo). Ảnh: Kim Ly
 
Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch là những quy định mang tính chuẩn mực, nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.
 
Bộ quy tắc gồm 2 chương, 12 điều, quy định những điều cần làm của từng đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch như khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; đơn vị vận chuyển khách du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch và cộng đồng dân cư.
 
Đồng chí Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VHTTDL cho biết: "Xác định ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố quan trọng, cần thiết để phát triển du lịch bền vững, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; xây dựng bộ hình ảnh hóa thông điệp về quy tắc ứng xử văn minh gồm có 12 hình ảnh được thiết kế ấn tượng và gần gũi, được xem là “cẩm nang” bỏ túi cho du khách khi đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng thời, phát động chiến dịch ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự tới người dân, cộng đồng tại các trọng điểm du lịch; chiến dịch ứng xử văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp tới các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ du lịch, đặc biệt là các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch…
 
Đẩy mạnh tuyên truyền các chủ đề như tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; du lịch có hiểu biết và du lịch có trách nhiệm; điểm đến thân thiện, nâng cao hình ảnh du khách Việt... tới các đơn vị, địa phương, người dân với nhiều hình thức như thông qua các sự kiện du lịch quốc gia theo từng năm; các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành tờ gấp, tờ rơi, sách hướng dẫn du lịch của địa phương.
 
Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của sở; lồng vào các chương trình tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch… tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc thân thiện, văn minh".
 
Bà Đặng Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành hệ thống cáp treo Tây Thiên chia sẻ: "Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mang lại sự phục vụ tốt nhất cho du khách, ngoài tự đào tạo, công ty đã liên kết với Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh tăng cường trau dồi kiến thức, nghiệp vụ cho nhân viên; xây dựng phong cách ứng xử đúng mực, thân thiện, trách nhiệm; sẵn sàng, tích cực hỗ trợ khách du lịch khi có yêu cầu.
 
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu danh thắng Tây Thiên huy động gần 40 nhân viên đảm nhiệm việc thu gom, vệ sinh, đảm bảo nhà chờ, bến bãi, khuôn viên khu danh thắng luôn sạch sẽ, giữ gìn cảnh quan môi trường".
 
Hiện nay, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều có bảng nội quy, hướng dẫn các hoạt động du lịch. Các hộ kinh doanh tuân thủ bán hàng theo giá niêm yết, không lợi dụng thời điểm đông khách để nâng giá, ép giá, cung cấp dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch.
 
Nhân viên các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên du lịch luôn đảm bảo trang phục lịch sự, gọn gàng, phù hợp với từng vị trí công việc; ứng xử đúng mực, chuyên nghiệp, ân cần, chu đáo, niềm nở, khi phục vụ khách du lịch; tận tình giải thích, hướng dẫn, nhắc nhở khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, văn hóa, tập quán, quy định pháp luật trước và trong quá trình đi du lịch…
 
Du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu du lịch đều tuân thủ quy định nội quy hoạt động, mặc trang phục nghiêm túc khi tham quan tại những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn nghiêm, nghĩa trang liệt sĩ, lễ hội truyền thống.
 
Tình trạng vứt rác, khạc nhổ, đi vệ sinh bừa bãi và hút thuốc lá ở những nơi không được phép hầu như không còn. Đa số du khách đều có ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; giữ gìn, bảo vệ công trình văn hóa, kiến trúc, cảnh quan khi đi du lịch.
 
Trở lại thị trấn Tam Đảo sau nhiều năm, chị Lâm Mỹ Trâm (Hà Nội) không khỏi bất ngờ bởi nơi đây đã hình thành nhiều khách sạn, nhà hàng chất lượng, chuyên nghiệp cũng như sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân địa phương.
 
Chị Trâm cho biết: "Lần này trở lại Tam Đảo, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi sự thân thiện, nhiệt tình của người dân. Ngoài đường phố hay tại Khu danh thắng Tây Thiên, nếu như trước đây, tình trạng người ăn xin đeo bám khách du lịch vẫn còn nhiều thì hiện nay đã không còn nữa. Các cơ sở kinh doanh, quầy hàng lưu niệm đều công khai giá bán, niềm nở, tận tình với du khách".
 
Để tiếp tục nâng cao văn hóa ứng xử trong hoạt động du lịch, thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tới người dân; kiểm tra định kỳ, đột xuất về môi trường kinh doanh du lịch.
 
Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Qua đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc văn minh, thân thiện, hiếu khách, nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.
 
Anh Phương
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn