Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát, với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh tế của tỉnh Hà Giang đang phục hồi mạnh mẽ với nhiều chỉ tiêu vượt cao so với cùng kỳ năm trước.
Du Khách tham quan Làng Văn hóa du lịch Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn)
Năm 2021, ngành Du lịch Hà Giang gần như bị đóng băng trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, lượng khách du lịch đến tỉnh và doanh thu từ dịch vụ chỉ đạt hơn 50% kế hoạch, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ tạm dừng hoạt động, hàng nghìn lao động mất việc làm. Nhưng từ đầu năm đến nay, với nhiều giải pháp đồng bộ như: Ban hành Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 với chủ đề “Hà Giang - An toàn, bản sắc và thân thiện”; tổ chức thành công chương trình “Hành quân theo bước chân anh”, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai, gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch để kịp thời tháo gỡ khó khăn; bảo tồn, tôn tạo các điểm di sản, xây dựng các tuyến đường du lịch mới, điểm dừng chân ngắm cảnh, xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức... Nhờ vậy, hoạt động du lịch khởi sắc trở lại và tăng trưởng mạnh mẽ. Lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 1,1 triệu lượt người, tăng 72,06% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 73,7% kế hoạch năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt 7.567 lượt người, khách nội địa đạt 1.098.433 lượt người. Doanh thu từ du lịch đạt trên 2.211 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu năm 2022: Phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,2%. Các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp: Phòng, chống dịch Covid - 19 linh hoạt, hiệu quả; rà soát, đề xuất tháo gỡ các rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, thu hút đầu tư; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; triển khai hiệu quả các chế độ, chính sách và nhiệm vụ liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; ban hành cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép tối đa các nguồn vốn.
Qua đó, trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,86%, là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,86%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,9%; chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 23,87%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 25,18%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 13,8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 23,5%; tổng doanh thu vận tải và dịch vụ kho bãi tăng 17,33%; tổng dư nợ tín dụng đạt 27.583 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đánh giá, phân hạng và cấp chứng nhận cho 40 sản phẩm của 29 chủ thể đạt OCOP 3 sao. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Toàn tỉnh có 3 dự được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn 116,661 tỷ đồng; 136 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới. Đặc biệt, xây dựng Nông thôn mới có nhiều khởi sắc, tổng khối lượng xi măng bàn giao cho các xã đạt 19.637 tấn; các địa phương làm được 196,4 km đường bê tông; bó láng 398 nền nhà, kiên cố hóa 3,6 km kênh mương, nhân dân đóng góp 107.300 ngày công và hiến 74.216 m2 đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Có 1.394 hộ cải tạo vườn tạp, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, đã giải ngân 29.804 triệu đồng/1.006 hộ. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, văn hoá ,thể thao, xây dựng nhà ở, việc làm và an sinh xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, người dân ngày càng tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang, 6 tháng cuối năm dự báo có nhiều thuận lợi và thử thách đan xen. Để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển KT - XH, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 đã đề ra, tỉnh tập trung các giải pháp trọng tâm: Chủ động, thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm có số vốn đầu tư lớn; thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp tục cải tạo vườn tạp đi vào thực chất; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại; xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn; tập trung thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên môi trường và phòng chống thiên tai; tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH.
Bài, ảnh: Biện Luân